(HNMO) - Thời gian gần đây, vàng miếng không được nhà đầu tư cũng như người dân mặn mà. Cũng vì thế mà vàng không còn là kênh đầu tư giữ vị thế số 1.
Từng được đổ xô đi mua
Còn nhớ, gần chục năm trước, vàng được người dân rất ưa chuộng. Mua gì hay bán gì có giá trị lớn đều được quy ra vàng. Trên thị trường, giao dịch vàng miếng diễn ra sôi động. Thỉnh thoảng hiện tượng “sốt giá” xảy ra khiến thị trường chao đảo, bởi giá tăng giảm ở biên độ rất rộng.
Cũng bởi vàng được quan tâm nên mỗi khi thị trường biến động mạnh người dân và nhà đầu tư lại đổ xô đi mua, mặc cho giá vàng trong nước cao hơn thế giới đến 3-4 triệu đồng mỗi lượng. Nhiều thời điểm khách hàng đến mua quá đông, đã xảy ra tình trạng khan hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải khắc phục bằng việc phát tích kê cho khách rồi hẹn đến lấy hàng sau.
Vàng miếng không còn được người dân và nhà đầu tư mặn mà như trước (ảnh: Internet) |
Tham gia trên thị trường trong những đợt “sóng” đó, ngoài người dân, nhà đầu tư cũng có kẻ đầu cơ, làm giá. Vì vậy, nhiều lần các chuyên gia và cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra khuyến cáo người dân không nên mua khi thị trường biến động mạnh.
Giá vàng “sốt” khiến lượng vốn dùng để sản xuất kinh doanh nằm chết trong vàng, đồng thời đe dọa tới sự ổn định tỷ giá, bởi doanh nghiệp, ngân hàng phải dùng hàng triệu USD để nhập vàng. Hệ quả là gây khó khăn cho điều hành kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, nhiều biện pháp bình ổn thị trường vàng đã được cơ quan quản lý thực hiện, như cho nhập vàng và bán vàng để can thiệp; chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng nhằm chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hệ thống tổ chức tín dụng, chuyển quan hệ huy động, cho vay vàng sang quan hệ mua, bán vàng, từ đó chuyển hóa nguồn lực bằng vàng sang VND để đưa vào sản xuất, kinh doanh hoặc tăng tiết kiệm thông qua tăng tiền gửi VND tại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực năm 2012, đã chuyển hoạt động sản xuất vàng miếng thành hoạt động độc quyền nhà nước và giao cho Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện; đồng thời đưa ra một loạt các điều kiện về kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Không còn “sốt giá”, đầu cơ
Với một loạt các biện pháp trên, thị trường vàng dần đi vào ổn định. Và đến thời điểm này, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và biến động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp. Thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Một phần nguồn vốn bằng vàng đã bước đầu được chuyển hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Do vàng miếng kém hấp dẫn nên nếu như trước đây cả nước có khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh mua, bán vàng miếng thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 2.242 điểm.
Nhìn lại thị trường vàng trong nước từ đầu năm thì thấy rõ, thị trường không còn tình trạng “sốt giá”, đầu cơ. Trong những tháng qua, thị trường chỉ trải qua một đợt “sóng” duy nhất nhưng mang tính chu kỳ, là dịp ngày vía Thần Tài. Vào thời điểm trên, giá vàng gần 1 triệu đồng/lượng, lên 37,80 triệu đồng/lượng - mức cao nhất hơn 1 năm. Sau đó, giá nhanh chóng hạ nhiệt. Trừ đợt “sóng” đó, giá vàng biến động trong biên độ hẹp, giao dịch chỉ phổ biến dưới mức 37 triệu đồng/lượng.
Do sức cầu thấp nên giá vàng trong nước đôi khi không diễn biến song hành cùng giá thế giới. Điển hình như ngày 24-5 vừa qua, xuyên suốt phiên giao dịch, giá vàng gần như dậm chân tại chỗ, thậm chí giảm nhẹ, giao dịch ở mức 36,64 triệu đồng/lượng dù cho giá kim loại quý thế giới tăng. Nguyên nhân được một số cửa hàng kinh doanh vàng lý giải, do khách bán vàng ra chiếm ưu thế.
Điều đáng chú ý, hầu hết các phiên, giá kim loại quý trong nước cao hơn giá thế giới nhưng có thời điểm sự chênh lệch này đã đổi chiều, tức giá vàng trong nước thấp hơn. Chẳng hạn, do tăng chậm hơn giá vàng thế giới trong một thời gian khá dài, ngày 23-3, giá vàng trong nước rẻ hơn thế giới 130.000 đồng/lượng.
Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng cho biết, giao dịch trên thị trường vàng miếng rất chậm. Đến cửa hàng giao dịch chủ yếu là những người mua nhỏ lẻ do có nhu cầu việc riêng hoặc tích trữ, thị trường không có sự xuất hiện của nhà đầu tư lớn.
Có thể nói, thị trường vàng không còn "sốt", người dân cũng như nhà đầu tư không thể “lướt sóng” để kiếm lợi nhuận nên vàng ngày càng kém hấp dẫn. Có lẽ, thay vì vàng, nhiều người đang chuyển hướng sang đầu tư ở kênh khác, như chứng khoán, bất động sản, những kênh được cho là sinh lời hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.