Chúng tôi đã từng ngưỡng mộ Việt Nam về lịch sử chống giặc ngoại xâm, về cuộc chiến chống Mỹ. Sự ngưỡng mộ đó còn nguyên vẹn”.
Bà Angela Staude
Đó là lời bộc bạnh của bà Angela Staude, phu nhân của cố nhà báo nổi tiếng người Ý Tiziano Terzani với báo giới chiều 23/10 tại Hà Nội như vậy.
Trong trang phục chiếc áo bà ba Việt Nam, phu nhân của cố nhà báo nổi tiếng Tiziano Terzani vẫn đầy vẻ quí phái của một phụ nữ phương Tây. Hơn 30 năm cùng chồng sống tại các nước châu Á, Việt Nam là mảnh đất đã để lại trong bà Angela Staude những kỷ niệm khó quên.
Bà cho biết, khi tới Việt Nam, bà đã chọn bộ quần áo này. Đây là một trong những trang phục thường mặc của bà trong hơn 30 năm qua vì sự thoải mái, tiện lợi và lịch lãm của nó.
Nếu như hơn 30 năm trước, bà tới Sài Gòn, Việt Nam để thăm chồng, một nhà báo chiến trường nổi tiếng của Ý, thì đây là lần đầu tiên bà trở lại Việt Nam và cũng là lần đầu tới thành phố Hà Nội xinh đẹp.
Bà nhận lời mời tới Hà Nội tham dự buổi trình chiếu bộ phim tài liệu: Anam (Người vô danh) bộ phim về cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà báo Tiziano Terzani do đạo diễn Mario Zanot thực hiện.
Tiziano và chuyến đi tìm sự thật của cuộc chiến
Vào những năm 1970, Việt Nam đang là điểm nóng của thế giới và thu hút hàng trăm phóng viên cự phách của các tờ báo lớn trên thế giới tới đưa tin. Điểm khác biệt của Tiziano với nhiều nhà báo lúc bấy giờ là việc tìm ra sự thật của cuộc chiến.
Đôi nét về nhà báo Tiziano Terzani Sinh năm 1938 tại Florence. Ông theo học luật tại Đại học Pisa. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu làm việc cho hãng Olivetti, nhà sản xuất thiết bị văn phòng lớn nhất của Ý. Năm 1965, ông đi công tác tới Nhật Bản và đây là mối liên hệ đầu tiên của ông với châu Á cũng như là bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông. Ông bắt đầu công việc của một phóng viên chuyên viết về châu Á cho tuần báo Der Spiegel của Đức và cộng tác thường xuyên với tờ Nhật báo Corriere della Sera và La Republica của Ý và trở thành một trong những nhà báo nổi tiếng nhất của Ý ở đẳng cấp quốc tế. Những trải nghiệm châu Á của ông được ghi lại qua những bài báo và những cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên ông viết năm 1973 mang tên Da báo kể về giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Tiziano Terzani chết vì bệnh ung thư ngày 28/7/2004. |
Bởi lẽ tìm được thông tin chính xác lúc đó vô cùng phức tạp. Nhà báo Tiziano đã không ngại khó khăn, nguy hiểm một mình lặn lội vào những căn cứ cách mạng để tìm hiểu thực tế.
Chính những bài báo sắc cạnh và đầy hơi thở cuộc sống của Tiziano đã khiến thế giới thấy được cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Đến giờ, bà Angela vẫn còn nhớ như in về những lần mất tích bí hiểm của chồng tại Sài Gòn. Bà kể lại: “Có một lần ông ấy biến mất 3 đến 4 ngày. Hoá ra, ông ấy đã bí mật tới tận Mỹ Tho để gặp gỡ những chiến sĩ quân giải phóng và thiết lập mối quan hệ mật thiết với những người cộng sản.
Chính vì thế sau khi Sài Gòn giải phóng, các phóng viên khác đều rời khỏi Việt Nam, nhưng ông vẫn nán lại vài tháng để viết về chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam. Sau đó, ông có viết một cuốn sách mang tên: Giải phóng: Sự sụp đổ và giải phóng Sài gòn. Cuốn sách này sau được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Thời điểm đó rất khó có thể đưa cả gia đình tới Việt Nam, nên bà Angela và hai con nhỏ sống ở Singapore. Ông Tiziano đi đi, về về thăm vợ con. Thỉnh thoảng bà cũng tới Sài Gòn thăm ông.
Hà Nội - Thành phố đẹp nhất ở châu Á
Lần đầu tới Hà Nội, mùa thu Hà Nội và những mái ngói rêu phong đã làm cho bà Angela mê đắm thốt lên: “Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất ở châu Á vì nó vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống của mình.
Tôi rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp cổ kính và rất riêng của Hà Nội. Hà Nội không phải là một bản sao của thành phố nào trên thế giới mà giữ được nét đẹp riêng”.
Theo TP
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.