Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội

Linh Chi| 26/08/2010 07:07

(HNM) - Suốt đời dành trọn tâm huyết nghiên cứu về con người - văn hóa - lịch sử của Thủ đô, nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc đã sưu tầm được kho tư liệu quý giá về mảnh đất Kinh kỳ qua hàng chục đầu sách.

Nguồn tư liệu phong phú, sinh động và chân thực về cõi đất - con người Thăng Long - Hà Nội 1000 năm của ông đã trở thành "bách khoa thư" cho các thế hệ nối tiếp không ngừng nghiên cứu, học hỏi. Ông là người đầu tiên và duy nhất hiện nay được tôn vinh là Nhà Hà Nội học.

Sinh năm 1927 ở Mỹ Hào, Hưng Yên, ông Nguyễn Vinh Phúc theo gia đình về Hà Nội học rồi dạy học ở Hà Nội. Nghề làm thầy giáo dạy văn, sử, địa đã thôi thúc ông nghiên cứu văn hóa, phong tục, tập quán và lịch sử của đất Kinh kỳ. Trước năm 1960, ông dạy văn, sử, địa, Pháp văn ở trường tư thục Khai Thành, Thăng Long. Sau năm 1960, ông dạy học ở trường Hà Nội B, sau đổi tên là Trường Lý Thường Kiệt. Thời ấy, sách giáo khoa còn sơ sài. Là người thầy tận tâm, muốn dạy học trò đến nơi đến chốn, ông lao vào nghiên cứu nhằm bổ sung kiến thức cho các bài giảng thêm phong phú, chính xác. Ngoài giờ lên lớp, ông tìm đến các đình, đền, chùa, miếu… để đọc văn bia, chuông, khánh, vào thư viện tìm sách. Càng đọc, càng tìm hiểu, ông càng thấy Hà Nội có nhiều cái hay, cái mới với bề dày văn hóa đáng trân trọng mà chưa nhiều người biết đến. Say sưa, miệt mài không ngừng nghỉ khám phá vẻ đẹp của mảnh đất, con người Kinh kỳ ngàn năm, ông Nguyễn Vinh Phúc đi vào nghiên cứu lúc nào không biết. Suốt những năm 60-70 của thế kỷ trước, tuần nào cũng có bài viết của ông xuất hiện trên các báo Thủ đô Hà Nội, Lao động, Độc lập, Tổ quốc, Cứu quốc, Quân đội nhân dân… Đặc biệt, trong chuyên mục Thủ đô ta (báo Thủ đô Hà Nội - tiền thân của tờ Hànộimới), bài viết của ông về di tích, danh lam, những anh hùng, liệt sĩ, danh nhân ngàn năm văn hiến luôn được người đọc chờ đón. Từ những bài báo đó, nhiều thập kỷ sau, ông đã tập hợp lại, in thành hàng chục cuốn sách phong phú, sinh động và hấp dẫn về Hà Nội.

Một nhà sử học nhận định: “Ông (Nguyễn Vinh Phúc) là sự tiếp nối dòng mạch công trình của những cây bút chuyên khảo như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng, Nguyễn Văn Tố và lại chỉ khuôn các công trình của mình vào cho Hà Nội”. Tác phẩm của ông mang đậm chất “địa chí”, là sự khảo cứu công phu, thông tin tỉ mỉ, sinh động, gắn liền với hơi thở của cuộc sống, không biện giải dài dòng hay lý thuyết khô khan. Mỗi khi gặp khó khăn trong tìm kiếm, giải đáp mâu thuẫn về cội nguồn tiên tổ, quê hương, bia mộ, thần hoàng… người ta lại gọi ông, bởi ông là người biết rõ nhất, hiểu rõ nhất về Hà Nội xưa và nay. Có thể vì thế mà nhân dân gọi ông là Nhà Hà Nội học. Tới nay, ông đã viết riêng 21 tác phẩm, chủ biên 5 tác phẩm, đồng chủ biên 6 tác phẩm (bằng tiếng Việt, tiếng Pháp) về Hà Nội. Các tác phẩm: Hà Nội - Con đường, dòng sông, lịch sử; Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, Hà Nội qua những năm tháng; Hanoi passé et présent, Hanoi past and present; Sites, histoire et légendes d’Hanoi; Hà Nội thành phố nghìn năm; Hà Nội và phụ cận; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây Hồ; Phố và đường Hà Nội; Hà Nội - cõi đất, con người; Hà Nội phong tục - văn chương, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… đã thể hiện phương pháp nghiên cứu kết hợp đa ngành, luôn coi trọng tính khoa học, tính hệ thống trong trình bày, nhận định và phân tích. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Hà Nội của ông được nghiệm thu, đánh giá cao.

Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc bộc bạch: “Cả cuộc đời, tôi yêu Hà Nội, yêu từ quá khứ, từ những gò đống, sông hồ, con người mỹ lệ, yêu cái tài hoa, sang trọng, thanh lịch lẫn cái lầm than, cơ cực của người cày cuốc, lao động... Hơn 50 năm tôi chỉ viết về Hà Nội, về núi, sông, gò, đồi, con người, xã hội, nghề nghiệp… tới những đổi thay”. Đã ở tuổi 84, lại mang nhiều bệnh nặng, ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ, đảm trách nhiều vị trí quan trọng của Hội Sử học, Hội Hữu nghị Việt - Pháp, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội. Ông là thành viên Hội đồng tư vấn về xây dựng tượng đài, di sản, đặt tên phố Hà Nội. 600 trang của cuốn Địa chí vùng Hồ Tây đã viết xong, còn hơn 200 trang nữa là cuốn sách hoàn thành, ông đang cố gắng từng ngày cho kịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Giải thưởng cho các công trình của ông không nhiều, lớn nhất là giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Nhưng ông là một trong những người đầu tiên được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, là người thầy lớn của rất nhiều lớp học sinh thành đạt. Độc giả trong và ngoài nước, những ai quan tâm đến văn hiến, phong tục, cõi người Thăng Long - Hà Nội dành cho ông lòng tin yêu, ngưỡng mộ. Ông xứng đáng có tên trong danh sách 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.