(HNM) - Chúng tôi về xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tìm gặp ông Nguyễn Duy Đông - người cắm lá cờ Giải phóng lên cột cờ của Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Những giây phút không thể nguôi quên
Trong số bốn người cắm cờ Giải phóng được ghi danh của tỉnh Thái Bình, huyện Thái Thụy có tên ba người. Ông Bùi Quang Thận cắm cờ lên nóc dinh Độc Lập năm 1975; ông Tạ Quốc Luật, người cắm cờ trên nóc hầm De Castries và ông Nguyễn Duy Đông - người cắm cờ ở Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn ngày 30-4-1975. Và điều đáng nói, đúng 35 năm sau Giải phóng miền Nam, người ta mới được biết đến câu chuyện về người cắm cờ trên tòa nhà Bộ Tổng tham mưu quân ngụy quyền ngày 30-4-1975.
Bức ảnh chụp ông Nguyễn Duy Đông cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy. |
Ông Nguyễn Duy Đông kể: "Sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lớp cán bộ cũ thay nhau luân chuyển, một số người nghỉ hưu. Chính vì vậy người viết sử của đơn vị, do mới vào nhận nhiệm vụ, đã có sự nhầm lẫn khi liệt kê danh sách tên những người trong tổ cắm cờ Giải phóng trên tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy trưa 30-4-1975, trong đó có đoạn ghi nhầm tên ông Nguyễn Duy Đông thành Nguyễn Văn Đổng". Trong một lần gặp mặt những người tham gia kháng chiến chống Mỹ, cái tên Nguyễn Duy Đông mới được xác nhận lại. Trung tá Thiều Quang Nông, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy ngày ấy khẳng định: "Người cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu không phải là Nguyễn Văn Đổng mà là Nguyễn Duy Đông. Quân của tôi thì tôi phải nhớ chứ".
Ông hào hứng kể về những năm tháng không thể nào quên: Tôi được giao trách nhiệm mang theo lá cờ rộng 3,4m, dài 4,8m để sau khi quân ta giành chiến thắng sẽ cắm lên nóc nhà của Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn báo hiệu chiến thắng. Tôi vừa hãnh diện vừa lo, lá cờ được tôi cất giữ cẩn thận trong ba lô, lúc đó tôi chỉ nghĩ dù có hy sinh cũng quyết không để mất lá cờ! Ông Đông nhớ lại: "Chiến dịch Hồ Chí Minh là đòn quyết định cuối cùng đánh đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Hồi đó, tôi đang ở tiểu đội trinh sát Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1). Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 quyết định giao cho Đại đội 5 tăng cường xe tăng, pháo binh và một tổ công tác gồm các đồng chí: Lại Đức Lưu (tổ trưởng), Đỗ Xuân Hương và Trịnh Bá Uẩn cùng Tiểu đoàn trưởng là Thiều Quang Nông, Chính trị viên Bùi Văn Lung và tôi, tổ phó đội".
Sáng 30-4-1975, tổ trinh sát của ông Nguyễn Duy Đông và các đồng chí khác cùng ngồi trên xe tăng đồng loạt tiến vào Sài Gòn, qua địa phận Lái Thiêu tiến thẳng tới cầu Bình Triệu. Ngụy quyền dồn quân chốt chặt, bảo vệ các ngả đường vào Sài Gòn. Pháo, tăng, hỏa lực bộ binh của ta dồn dập bắn thẳng vào đội hình địch. Năm đụn lửa bùng lên rồi năm chiếc xe tăng của địch bùng cháy. Cùng lúc này, chiến sĩ Nguyễn Duy Đông từ trên xe tăng lao xuống đường, chĩa súng AK bắn liên tiếp vào xe bọc thép của địch rồi cùng đồng đội leo lên xe khống chế quân địch. Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông dùng báng AK nện mạnh nắp xe bắt yêu cầu đầu hàng, rồi ra lệnh lái xe quay đầu, dẫn Quân giải phóng đánh vào Bộ Tổng tham mưu. Xe bọc thép giặc được cắm cờ Giải phóng chở chỉ huy cùng tổ thọc sâu hướng theo ngã tư Phú Nhuận tiến đánh Bộ Tổng tham mưu.
Khoảng hơn 11h, Tiểu đoàn do Đội trưởng Thiều Quang Nông chỉ huy đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Súng máy 12,8 ly tiêu diệt lô cốt án ngữ bên phải. Lúc này, Nguyễn Duy Đông ném liền hai quả lựu đạn diệt lô cốt bên trái. Xe bọc thép húc tung cánh cổng tấn công vào bên trong. Địch co cụm chống trả. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho xe tăng hạ thấp pháo bắn thẳng diệt hai lô cốt. Khi đã khống chế hoàn toàn quân địch, lưng giắt lá cờ, tay cầm AK, ông Đông chạy trước xông vào tòa nhà. Phía sau, hai đồng đội Đỗ Xuân Hương và Trịnh Bá Uẩn chạy theo yểm trợ.
Ông Đông kể lại: Trong tòa nhà Bộ Tổng tham mưu còn rất nhiều địch, quân ta phải nổ súng. Tôi áp sát, gí súng vào một tên bắt phải dẫn theo lối cầu thang bộ gần nhất lên nóc nhà. Các đồng chí Hương, Uẩn, Lưu, Tiến vừa chiến đấu bảo vệ, vừa theo lối cầu thang tiến lên. Lên tới nóc nhà đã lâu mà chưa thấy đồng đội, ngó xuống thấy anh em vẫn loay hoay không sao đưa cán cờ lên được do cầu thang gấp khúc mà cán cờ lại quá dài, từ trên tôi hét to: Hương, cầm ngọn cây kéo ngược lên! Cả tổ lên đủ năm người, tôi mở ba lô. Anh Lưu tung cờ, Hương lồng cờ vào cán, tôi hạ súng AK leo lên cột thép, Uẩn ném dây buộc ba lô cho tôi. Khi tôi buộc xong cờ vào cột thép, Hương ở dưới nổ tràng AK báo tin chiến thắng, lúc này là 11h30.
Ông Nguyễn Duy Đông nâng niu những tấm hình của những năm khói lửa. |
Người trở về sau trận chiến
Vậy là sau 35 năm, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 đã cấp giấy chứng nhận số 251/CN-TĐ do Chính ủy Trung đoàn, Thượng tá Phạm Văn Đạo ký tặng ông Nguyễn Duy Đông - người đã cắm lá cờ Quân giải phóng lên nóc tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn năm 1975. Nhắc về sự nhầm lẫn trước đó, ông Đông chỉ cười: Mình là lính Cụ Hồ, mình cùng các anh em chiến đấu để mong giành được hòa bình, thắng lợi, ấy là chiến công của tất cả anh em. Và nếu không có mình sẽ có đồng chí khác cắm lá cờ giải phóng mà!
Năm 1980, Nguyễn Duy Đông ra quân. Từ đó đến nay, người cựu chiến binh ấy vẫn liên tục tham gia công tác ở địa phương. Hai mươi năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Văn, ở cái tuổi 63, dù mái tóc đã bạc nhưng gương mặt ông Đông vẫn toát lên vẻ cương nghị, rắn rỏi của người chiến sĩ trinh sát năm xưa.
Nhắc về những người đồng đội đã vào sinh ra tử cùng mình, giọng ông trở nên nghẹn ngào: Đồng chí Đỗ Xuân Hương ra quân năm 1977 và lấy vợ ở quê. Nhưng do cuộc sống quá khó khăn, Hương đã đưa vợ con ra sinh sống ở đảo Phú Quốc, làm vườn, làm rẫy nhưng cuộc sống hiện tại vẫn chưa hết khó khăn. Cháu trai đầu bị nhiễm chất độc da cam phải đi chữa chạy ở nhiều bệnh viện và đã mất năm 18 tuổi. Bây giờ, hằng năm, anh ấy vẫn phải đi đi về về vì ở quê Thái Bình vẫn còn bố mẹ già. Còn Trịnh Bá Uẩn, sau năm 1975 ra Bắc tham gia huấn luyện rồi lại trở vào Nam, chuyển về Đoàn 10 tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Anh được cử đi học tại Học viện Lục quân Đà Lạt và công tác ở đó đến nay. Hiện, Trịnh Bá Uẩn là Đại tá, Trưởng ban Biên tập Tạp chí Nghiên cứu chiến thuật, chiến dịch của Học viện Lục quân".
"Gần 40 năm đã trôi qua, đồng chí Đỗ Xuân Hương vẫn chưa được tặng danh hiệu nào cho thành tích xuất sắc dù hồ sơ đề nghị và xác nhận của đồng đội đã có đủ cả. Ngày 15-7-2010, lãnh đạo Sư đoàn 390 cũng gửi đề nghị cấp Huân chương Giải phóng và Kháng chiến cho ông Hương tới Phòng LĐTB&XH huyện Thái Thụy (Thái Bình). Đề nghị không có kết quả vì ông Hương đã chuyển vào sinh sống ở Phú Quốc" - ông Đông đau đáu về người đồng đội cũ.
Trong ngôi nhà nhỏ treo những tấm hình đen trắng của một thời đạn lửa, ông chỉ cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp cùng đồng đội ngồi trên nóc xe tăng ngụy tiến vào Sài Gòn và tấm ảnh cùng tổ cắm cờ trên nóc tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy trưa 30-4-1975. Tấm ảnh chụp chính giây phút ông Nguyễn Duy Đông đang ở tít trên cao. Và đó là những kỷ vật chiến trường ông còn lưu giữ. Ông Đông bảo: "Tôi và các đồng đội luôn ao ước được gặp nhà báo giải phóng Dương Văn Xuyền để cảm ơn ông đã ghi được hình ảnh chiến đấu oanh liệt ngày nào".
Chiến tranh đã lùi xa, vẫn biết phần thưởng lớn lao nhất là sự biết ơn của nhân dân, nhưng họ, những người cắm cờ trên nóc tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy vẫn cần được Nhà nước ghi nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.