(HNM) - Tố cáo tham nhũng sẽ được xét thưởng mức cao nhất là Huân chương Dũng cảm với tiền thưởng gần 25 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài những phần thưởng vật chất, những người chống tham nhũng đang rất cần một cơ chế bảo vệ.
Tuy nhiên, ngoài những phần thưởng vật chất, những người chống tham nhũng đang rất cần một cơ chế bảo vệ.
Thưởng cao để khuyến khích
Đất đai, một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Ảnh: Bá Hoạt
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam xếp thứ 116/178 quốc gia và vùng lãnh thổ về PCTN. Kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2010 cũng cho thấy, tham nhũng xếp thứ 7 trong 10 vấn đề xã hội bức xúc nhất. Mỗi năm, cả nước khởi tố 330 vụ tham nhũng. So với thực trạng bức xúc của xã hội và sự mong đợi của người dân, con số này còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân của những yếu kém này là do cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, thiếu đồng bộ, bất cập; trong khi tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách về PCTN chưa đủ mạnh; hầu hết các vụ việc tham nhũng được phát hiện thông qua đơn, thư tố cáo của nhân dân; rất ít vụ việc được phát hiện qua đấu tranh trong nội bộ.
Để đẩy mạnh hiệu quả PCTN, nhiều tỉnh, TP đã xây dựng cơ chế khen thưởng. Tiêu biểu là TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã ký quyết định ban hành cơ chế khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích PCTN, mức thưởng từ 1 đến 10 triệu đồng. TP Hà Nội cũng đề cập cơ chế mua tin (từ 5 triệu đồng/tin trở lên), nhưng theo một cán bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN TP Hà Nội, đến nay văn phòng này chưa mua được tin nào liên quan đến các hành vi tham nhũng. Tại một số tỉnh, TP khác, vì chưa có cơ chế cụ thể nên chưa khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia PCTN.
Trong bối cảnh đó, Thông tư liên tịch số 03 của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế khuyến khích việc tố cáo các hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, công sở, địa phương; đồng thời tạo cơ sở thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tôn vinh, biểu dương, bảo vệ, nhân rộng các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác PCTN. Đặc biệt, việc quy định đối tượng được xét khen thưởng rất rộng, mức thưởng cao nhất gồm Huân chương Dũng cảm và 30 lần mức lương tối thiểu (khoảng 24,9 triệu đồng)… sẽ tạo động lực mạnh mẽ trong xã hội. Thông tư này sẽ thay đổi suy nghĩ của không ít người "chống tham nhũng chẳng được gì, chỉ rước họa vào thân!".
Cần ngay cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng
Trong thực tế, có nhiều người ngay thẳng tố cáo hành vi tham nhũng, sau đó bị kẻ xấu đe dọa, hành hung, phải chịu thiệt thòi mà không nhận được sự bảo vệ đầy đủ. Thông tư liên tịch số 03 có hiệu lực vào ngày 21-6 này được cho là sẽ khuyến khích nhiều người tham gia chống tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, theo một phụ nữ từng đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ thì khi đứng ra tố cáo sai phạm liên quan đến công trình xây dựng trên cống thoát nước hồ Tây và một số vụ tiêu cực khác, hoàn toàn vì nghe theo Đảng, đấu tranh vì sự công bằng xã hội chứ không hề nghĩ sẽ nhận được bao nhiêu tiền thưởng. Thậm chí, bà phải bán cả tài sản cá nhân để chi phí cho việc chống tiêu cực. Sau hội nghị tôn vinh 88 cá nhân tiêu biểu trong PCTN (9-2010), trở về địa phương, bà đã rất vui mừng khi được thông tin CATP sẽ bảo vệ bà. Nhưng cho đến nay, bà vẫn bị trả thù, bị đối xử "đặc biệt", bị các đối tượng chửi rủa, đe dọa, cô lập, thậm chí ai trò chuyện với bà cũng bị vạ lây. Vì vậy, bà mong rằng cùng với việc khen thưởng, Nhà nước sớm có cơ chế cụ thể để bảo vệ những người dám đứng ra chống tham nhũng.
Tương tự một người đàn ông ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) vì đứng về phía người dân vạch trần những hành vi tham nhũng của một số cán bộ lãnh đạo mà bị cô lập, bị đình chỉ chức vụ. Từ những gì nếm trải, ông cho rằng, cần sớm có cơ chế bảo vệ những người dám đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Các cơ quan làm công tác về PCTN nên sát sao hơn trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người chống tham nhũng.
Trước đây, báo chí từng đề cập đến chuyện của một chủ tịch HĐQT một DN nhà nước tố cáo giám đốc điều hành tham nhũng. Nội dung tố cáo được cơ quan CA khẳng định là có cơ sở. Nhưng khi cuộc chiến chưa kết thúc thì ông bị mất chức và bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng. Người chống tham nhũng, tiêu cực bị thôi chức, ai còn dám đứng ra chống tiêu cực nữa đây. Do vậy, một điều quan trọng là phải bảo mật tuyệt đối thông tin về người PCTN.
Trong hội nghị gặp mặt các cá nhân điển hình PCTN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã đề nghị cần bảo vệ tài sản, tính mạng, đồng thời khen thưởng, động viên kịp thời đối với những người dũng cảm tố cáo các hành vi tham nhũng. Thông tư liên tịch số 03 ra đời đã giải quyết được một vế, đó là khen thưởng cao để khuyến khích người PCTN; còn cơ chế bảo vệ thì đến nay vẫn chưa được triển khai cụ thể. Những người đã, đang và sẽ tham gia PCTN rất cần được bảo vệ để họ yên tâm, tích cực hơn nữa chống các hành vi tham nhũng, góp phần xây dựng Nhà nước và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với lòng tin và sự kỳ vọng của quần chúng nhân dân.
Hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng Thông tư liên tịch số 03 có 4 hình thức khen thưởng tương đương với 4 mức thưởng: Huân chương Dũng cảm mức thưởng bằng 30 lần mức lương tối thiểu (24,9 triệu đồng); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, mức thưởng bằng 20 lần mức lương tối thiểu (16,6 triệu đồng); Bằng khen cấp bộ, mức thưởng bằng 10 lần mức lương tối thiểu (8,3 triệu đồng); Giấy khen, mức thưởng bằng 3 lần mức lương tối thiểu (gần 2,5 triệu đồng). Tiêu chuẩn xét khen thưởng là không sợ hy sinh tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân dũng cảm tố cáo; tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.