(HNM) - Ngày 4-12-2013, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 25 về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014-2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014).
Đây là chính sách rất ý nghĩa nhằm hỗ trợ cho nền nông nghiệp của thành phố, đặc biệt là hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, một số chính sách đề ra ở đây vẫn "tắc" ở cấp huyện.
Thực hiện Nghị quyết 25, các địa phương xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn đem lại giá trị kinh tế cao. |
Chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 25 áp dụng cho các hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản trong vùng sản xuất trồng trọt chuyên canh, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi trọng điểm, khu chăn nuôi tập trung, trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư theo quy hoạch (gọi chung là vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung). Khi triển khai thực hiện, người dân sẽ được thành phố hỗ trợ kinh phí về tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, thực hiện chính sách này việc giao trực tiếp cho các huyện từ khâu cây, con giống, vật tư phân bón, phòng trừ dịch bệnh... là chưa phù hợp. Thực tế khi triển khai tại huyện Đan Phượng gặp khó khăn do thiếu cán bộ chuyên môn; không có đủ trang thiết bị máy móc để kiểm tra phân tích chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, giám định các mẫu phẩm dịch bệnh. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra, cấp huyện không đủ nhân lực để ngăn chặn, chưa kể khó khăn trong việc quản lý, bảo quản vắc xin... Đối với quy hoạch vùng sản xuất tập trung có diện tích từ 5ha trở lên, phải quy tụ 100 hộ dân tham gia là rất khó thực hiện, bởi không phải hộ dân nào cũng sẵn sàng tham gia góp đất.
Đồng quan điểm này, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho rằng, yêu cầu quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa có diện tích 100ha đối với huyện Thạch Thất gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2014, huyện triển khai xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa có diện tích 300ha ở 3 xã Dị Nậu, Canh Nậu và Hương Ngải nhưng khi xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện đã không nhận được sự đồng thuận của người dân. Hơn nữa, đồng đất của huyện Thạch Thất không thuận lợi, nhỏ, hẹp, phần lớn vướng các quy hoạch đô thị, công nghiệp của trung ương và thành phố nên xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn bị hạn chế.
Còn tại huyện Phú Xuyên, tháng 2-2015, đã trình các sở, ngành kế hoạch phát triển sản xuất gồm: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 300ha; vùng sản xuất rau an toàn 158ha và vùng nuôi trồng thủy sản 180ha nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Ngoài ra, nhiều huyện cho rằng, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 25 của thành phố là thấp, thủ tục tiếp cận nguồn vốn còn rườm rà, phức tạp chưa phù hợp nên các huyện khó triển khai xuống nhân dân.
Để các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 25 của HĐND thành phố sớm được triển khai, mang lại lợi ích cho người nông dân, phần lớn các huyện đề xuất thành phố có hướng dẫn cụ thể từng nội dung, lĩnh vực. Đối với quy hoạch vùng sản xuất lúa chuyên canh cần giảm quy mô diện tích và không quy định cụ thể từng giống lúa chất lượng cao cho từng vùng sản xuất mà căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương để xây dựng cơ cấu giống. Đối với chính sách giống, phân bón, vật tư..., thành phố cần tăng định xuất hỗ trợ từ 50% lên 100% và sớm chuyển kinh phí cho các địa phương triển khai. Ngoài ra, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Thường Tín đề xuất, giao thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp cho cơ quan chuyên môn của thành phố triển khai sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, UBND thành phố sớm ban hành kế hoạch hướng dẫn các huyện triển khai Nghị quyết 25. Đồng thời chỉ đạo các sở NN&PTNT, Tài chính xây dựng định mức cụ thể để các huyện có căn cứ triển khai xuống nhân dân. Trước thực trạng trên, các huyện, thị xã và Sở NN&PTNT đã có văn bản trình lên HĐND thành phố cho sửa đổi một số nội dung trong Nghị quyết 25 cho phù hợp với thực tiễn và sớm được triển khai xuống cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.