Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn “nóng” chuyện chế tài

Chí Đạo| 07/09/2011 07:30

(HNM) -


Cứ đến mùa mưa bão TP lại xây dựng kế hoạch, rầm rộ ra quân xử lý giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều nhưng kết quả không thu được bao nhiêu. Chính sách giải tỏa thiếu đồng bộ, TP và hầu hết địa phương đã xây dựng kế hoạch nhưng chuẩn bị thực hiện như tập huấn, hướng dẫn trình tự, thủ tục chưa chu đáo... Qua 3 tháng triển khai giải tỏa vi phạm ở các địa phương vẫn chưa có bài bản cụ thể, thống nhất. Đáng nói, một số quận, huyện không thành lập ban chỉ đạo như quận Ba Đình; thành lập khi hết thời hạn xử lý như quận Hoàn Kiếm; nhiều quận, huyện khác như Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên, Thạch Thất, Quốc Oai không xây dựng kế hoạch xử lý...


Đổ phế thải ra sông Hồng đoạn qua quận Hai Bà Trưng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Trần Gia Hưng cho rằng, giải tỏa vi phạm đê điều là nhiệm vụ quan trọng, khó làm, tác động mạnh đến xã hội... nhưng một giải pháp mang tính tất yếu là cơ chế tài chính thì lại chưa rõ khiến các địa phương triển khai lúng túng, gặp khó khăn. Vấn đề tái phạm cũng rất bức xúc nhưng cơ chế, chính sách xử lý chưa rõ, chưa đồng bộ giữa các địa phương, giữa các vụ việc. Các vi phạm như khai thác cát, làm lều lán, buôn bán vật liệu xây dựng trên đê... cơ quan chức năng phải xử lý nhiều lần nhưng vi phạm vẫn tái diễn. Các chính sách pháp luật còn nhiều bất cập như quản lý chồng chéo, chưa đồng bộ; cơ quan quản lý công trình lại không trực tiếp xử lý vi phạm; hệ thống pháp lý chưa đầy đủ như chưa cắm mốc giới, chưa tuyên truyền đầy đủ về pháp luật bảo vệ đê điều... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh, một số nội dung pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn nặng về cấm mà không mở lối thoát. Điển hình như trong hành lang thoát lũ người dân có đất hợp pháp nhưng theo luật không được xây dựng mới. "Khi con cái lớn nhu cầu mở rộng nhà cửa là tất yếu, xây không cho, chuyển nơi khác thì dân không có tiền. Cứ phạt, phạt nữa thì cũng không thể xử lý được" - ông Nguyễn Kim Vinh nhấn mạnh.

Tại hội nghị về công tác xử lý vi phạm đê điều UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội chưa sâu sát thực tế nên công tác tham mưu trong xử lý, ngăn chặn vi phạm đê điều còn yếu. Đối với các địa phương, còn chủ quan, nể nang và đùn đẩy trách nhiệm...

Để bảo đảm hiệu quả công tác xử lý vi phạm đê điều, ý kiến của lãnh đạo các quận, huyện cho rằng, các địa bàn có đê cần xác định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND các phường, xã; cơ quan quản lý là các hạt đê điều, công ty thủy lợi... Về các vấn đề cụ thể, các ngành và địa phương có đê, công trình thủy lợi đã thống nhất một số giải pháp quan trọng triển khai từ nay đến năm 2012 và những năm tiếp theo là khẩn trương cắm mốc giới, biển báo trên hệ thống đê điều, hành lang thoát lũ; bố trí kinh phí xử lý vi phạm cho các địa phương; quy hoạch bến bãi trung chuyển, khai thác vật liệu xây dựng; xây dựng công trình chống tái lấn chiếm...

Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khoanh vùng các dạng vi phạm, nhóm vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến đê điều tập trung xử lý dứt điểm. Về cấp phép liên quan đến bến bãi, điểm khai thác vật liệu xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Tư pháp nghiên cứu ban hành quy định phối hợp thống nhất giữa các cơ quan để tạo thuận lợi trong quản lý và xử lý; Sở NN&PTNT khảo sát, nghiên cứu chọn một huyện làm điểm về xử lý vi phạm đê điều để rút kinh nghiệm cho các địa phương khác; đề xuất thành lập lực lượng liên ngành xử lý xe quá tải, tàu hút cát, bãi tập kết vật liệu xây dựng trên đê...

Theo Ban Chỉ đạo xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều TP, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đê điều, trên địa bàn TP Hà Nội đã phát sinh gần 1.200 vụ vi phạm, trong đó các vụ vi phạm đã tăng qua các năm: 2008 là 272 vụ, năm 2009 là 440 vụ, năm 2010 là 485 vụ. Toàn thành phố có 222 điểm khai thác, tập kết vật liệu xây dựng ở ven sông, trong đó có đến 187 điểm không phép và đã hết hạn cấp phép.
Trong hơn 3 tháng thực hiện chiến dịch giải tỏa vi phạm (từ ngày 25-5 đến ngày 31-8-2011), mới có 257 vụ được xử lý, đạt khoảng 21%. Trong khi đó, tình hình vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi cũng nhức nhối không kém với 12.412 vụ vi phạm, nhưng chỉ xử lý được hơn 900 vụ, đạt khoảng 7%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn “nóng” chuyện chế tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.