Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn nhiễu nhương tác quyền ca khúc

HONGHAI| 03/01/2005 09:49

Trong phần giao lưu với khán giả tại một chương trình ca nhạc, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho biết: “Vừa qua cô bồ 70 tuổi đã bỏ tôi bởi tiền tác quyền một ca khúc 500 ngàn không đủ để cô ấy mua son phấn...”, tất nhiên người nhạc sĩ lão thành chỉ nói đùa nhưng ngẫm lại quả ngậm ngùi.

Nổi đình đám nhất giữa năm nay là chuyện NS Quốc An (tác giả của Hát cho người ở lại, Hát với dòng sông, Cây đàn sinh viên...) sau nhiều lần thỏa thuận bằng... miệng không được đã gửi đơn kiện Công ty MIT khi sử dụng ca khúc Cây đàn sinh viên trong tiết mục quảng cáo sản phẩm nước súc miệng Fatech trên VTV. Đến hẹn lại... hẹn, sau cùng NS Quốc An quyết định phó thác cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam... đòi dùm.

Chuyện ca sĩ Đức Tuấn sử dụng ca khúc Tình buồn xa vắng của NS Hoài An trong album Anh yêu em nhưng chẳng hề “thông qua” cha đẻ bài hát, mặc dù thừa biết ca khúc này đã được ca sĩ Đan Trường mua đứt bản quyền, chuyện lùm xùm giữa “búp bê” Thanh Thảo - Hiền Thục và Hãng Bông Sen sau khi phát hành album Những vì sao xanh với ca khúc Cô đơn mình em của NS Phương Uyên, mới đây là chuyện thưa kiện của ca sĩ Nguyên Vũ với hai ca khúc độc quyền...

Theo luật, nếu hãng băng đĩa ra CD tác giả ca khúc được trả 300 ngàn đồng/bài, ra cassette là 200 ngàn đồng/bài, sau này khi cassette đã “chết” thì có chỗ “chơi đẹp” vẫn trả gộp như cũ, một số chỗ chỉ trả tiền CD, còn ca khúc mà nhạc sĩ phổ thơ thì theo luật (30%) nhà thơ được thưởng 100 ngàn đồng.

Với một nhạc sĩ, mỗi tháng trung bình “đẻ” cao lắm khoảng 3 ca khúc thì mới 900 ngàn đồng liệu có đủ sống và chắc gì tiền tác quyền đã được trả liền (thường nhanh nhất từ 3 tháng đến nửa năm). Từ đó nhiều nhạc sĩ bán độc quyền ca khúc cho ca sĩ kiếm từ 2,3 đến 5 triệu đồng/bài, thậm chí có ca khúc được mua độc quyền đến 500USD.

Trường hợp NS Quốc An đi đòi tiền tác quyền thực sự cười ra nước mắt. Ca khúc Tiếc thương do Mỹ Tâm trình bày được nhóm Nhật Thực đặt làm đĩa, Quốc An phát hiện và tìm đến Trung tâm Băng đĩa Lạc Hồng đòi tiền tác quyền thì ở đây nói là đã trả cho ca sĩ, mà nhóm hát này đã rã đám, thế là NS Quốc An chỉ còn cách “bắc thang lên hỏi ông trời...”.

Nhiều ca khúc khi nhạc sĩ đi đòi tiền tác quyền thì ca sĩ (Đ.T với Dấu yêu) trả lời tỉnh rụi: Đĩa ấy đúng là có sử dụng bài hát trên nhưng là để... tặng fans chứ có mua bán kinh doanh gì đâu mà đòi tiền. Tác quyền ca khúc lãnh được chẳng thấm vào đâu so với công sức, thời gian và tiền xăng nhớt bỏ ra để đi đòi, đúng là “một tiền gà ba tiền thóc”. Nhiều nhạc sĩ đi đòi tiền tác quyền mãi đâm ra ngao ngán, có người bỏ luôn, có người “thức thời” chuyển qua biên tập album cho ca sĩ trẻ, hòa âm sống “khỏe”, khỏi lao tâm khổ trí như trường hợp Vĩnh Tâm, Vũ Quốc Việt, Quốc An, Lê Quang, Bảo Phúc...

Rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ nổi trôi trên thị trường âm nhạc nhưng có mấy ai biết để đi đòi, các nhạc sĩ trẻ còn sức để hăm hở đi “thực thi công lý” chứ các nhạc sĩ lão thành như: Tô Vũ, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Lư Nhất Vũ, Phan Nhân... hoặc quá cố như: Nguyễn Văn Thương, Đoàn Chuẩn, Trần Hoàn, Lê Thương, Trịnh Công Sơn... thì ai đứng ra thay họ trả thù lao chất xám?

Trao đổi với chúng tôi, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Phó GĐ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (GĐ phía Nam) cho biết: “Kể từ khi Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam ra đời tháng 4/2002 đến nay đã xem xét, giải quyết rất nhiều trường hợp vi phạm quyền tác giả. Đối với các tác phẩm mà nhạc sĩ đã ủy thác cho trung tâm thì chúng tôi phải có trách nhiệm và nghĩa vụ như trả tiền tác quyền, thậm chí ra tòa.

Riêng những ca khúc không đăng ký ủy thác cho trung tâm thì chúng tôi không chịu trách nhiệm khi có tranh chấp. Đây là quyền lợi rất lớn của các nhạc sĩ, vì thế rất mong các nhạc sĩ có sự hợp tác chặt chẽ với trung tâm. Tôn chỉ của trung tâm là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhạc sĩ và sẽ thanh toán tiền tác quyền cho họ một cách nhanh nhất khi có được...”.

Chuyện băng đĩa, cassette thì còn có cớ để đòi, thế nhưng việc ca sĩ ở hàng trăm phòng trà, tụ điểm ca nhạc... khắp thành phố hát “chùa” ca khúc một cách tràn lan thì nhạc sĩ biết đòi ai? Nhiều nhạc sĩ muốn đến phòng trà thưởng thức ca khúc của mình phải “méo mặt” bỏ ra một số tiền không nhỏ, một lời mời nhạc sĩ đến dự hoặc tặng đôi vé vào xem ở sân khấu ca nhạc cho đỡ tủi cũng chỉ là chuyện trong mơ đối với các nhạc sĩ.

Nội chuyện thực thi nghiêm chỉnh việc thu phí (%) trên mỗi bài hát trong hàng ngàn điểm kinh doanh karaoke ở TPHCM và các tỉnh phía Nam cũng đủ cho nhạc sĩ có được thu nhập ổn định (trung bình mỗi người khoảng trên 5 triệu).

Xin mượn lời NS Quốc An thay cho lời kết: “Tác quyền trên băng đĩa chẳng là bao nhiêu, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người sáng tác. Tuy nhiên luật đã có rồi, rất mong các cơ quan chức năng sớm thực thi việc thu tiền tác quyền ở phòng trà, sân khấu ca nhạc, điểm kinh doanh karaoke... để các nhạc sĩ có thu nhập ổn định, yên tâm sáng tác không phải bươn chải bằng những nghề khác...”.


Theo CATPHCM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Vẫn nhiễu nhương tác quyền ca khúc

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.