Khi năm học mới 2024-2025 cận kề, vấn nạn sách giáo khoa, đồ dùng học tập giả lại khiến nhiều phụ huynh lo lắng, các nhà xuất bản, doanh nghiệp đau đầu, cơ quan chống hàng giả căng mình kiểm tra, xử lý. Thực tế sách giáo khoa, đồ dùng học tập bị làm giả ngày càng tinh vi, do đó, phụ huynh và học sinh cần thận trọng, nâng cao khả năng nhận biết để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Gia tăng sách giáo khoa, đồ dùng học tập giả
Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Chí Bính cho biết, nạn sản xuất, buôn bán sách lậu, sách giả nói chung, trong đó có số lượng không nhỏ sách giáo khoa, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất bản. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị in và tiêu thụ sách lậu đứng đầu về số lượng, địa bàn và mức độ thiệt hại. Sản phẩm giả sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc nhiều môn học, ở các bậc học. Theo thống kê sơ bộ của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã có hơn 41 triệu bản sách và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu bị phát hiện và xử lý, tại hầu hết các tỉnh, thành phố. “Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 14 vụ với 4,5 triệu cuốn sách các loại giả sản phẩm của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam”, ông Nguyễn Chí Bính nêu.
Bên cạnh đó, các loại đồ dùng học tập như vở, bút, thước kẻ… nhãn hiệu Hồng Hà, Thiên Long và máy tính nhãn hiệu Casio… cũng bị các đối tượng xấu làm giả, đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo bà Phạm Thị Bích Thủy, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây (nhà phân phối độc quyền máy tính học sinh Casio tại thị trường Việt Nam), hiện có rất nhiều máy tính Casio bị làm giả và được bày bán công khai. "Máy tính chính hãng của Casio có giá từ 600.000 đến 800.000 đồng, song hàng giả chỉ bằng một nửa, nhiều người khi đem đến bảo hành mới phát hiện là hàng giả”, bà Bích Thủy nói.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), gần đây, số vụ việc vi phạm về sách giáo khoa, thiết bị học tập có chiều hướng gia tăng, số lượng hàng hóa vi phạm lên tới hàng vạn sản phẩm, với nhiều chủng loại khác nhau. Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, thu giữ hàng trăm nghìn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của nhiều nhà xuất bản.
Nổi bật là các vụ phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại tỉnh Hậu Giang ngày 16-7-2024; vụ thu giữ 34.000 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa tại tỉnh Đồng Nai cuối tháng 5-2024; hay vụ thu giữ 600.000 quyển sách giả thành phẩm và bán thành phẩm, trị giá khoảng 12 tỷ đồng tại thành phố Đà Nẵng giữa tháng 6-2024…
Nguyên nhân của tình trạng này là do lợi nhuận rất lớn từ việc in và bán sách giả, trong khi đó nhiều phụ huynh và học sinh chưa lưu tâm lựa chọn xuất bản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng mua sắm qua các kênh trực tuyến không uy tín, không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm nên dễ mua phải sách giả. Đáng quan ngại hơn là thủ đoạn của các đối tượng làm sách giả ngày càng tinh vi, đưa địa điểm sản xuất sách giả tới nơi hẻo lánh, ít dân cư, do đó, khi cơ quan chức năng phát hiện, đối tượng đã kịp thời tiêu thụ sản phẩm trong một thời gian.
Dấu hiệu nhận biết sách giả
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, sách in lậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, vi phạm quy định về bảo hộ quyền tác giả. Đặc biệt, sách giáo khoa giả ảnh hưởng đến đối tượng sử dụng là học sinh, giáo viên. Những sản phẩm này thường sai lệch về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin dẫn đến sai lệch về nội dung (đường nét biên giới, vấn đề biển đảo). Bên cạnh đó, các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy thấp, in bị mờ không bảo đảm quy cách, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực.
Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Chí Bính chỉ rõ các dấu hiệu phân biệt sách thật - sách giả, đó là về giá thành, quy cách, màu sắc và mã tem chống hàng giả. Sách giả có hình thức tương tự với sách thật, tuy nhiên giá thành lại rẻ hơn nhiều. Sách giả thường có màu sắc không tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng, bị mờ, chỗ đậm, chỗ nhạt. Hình ảnh trong sách giả không đẹp, chất lượng kém và tối hơn do scan, photo lại từ sách thật. Đối chiếu màu sắc, tính sắc sảo của chữ in, hình ảnh với sách thật là cách đơn giản nhất để phân biệt. Đặc biệt, mỗi quyển sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều đi kèm với một mã thẻ cào riêng để kích hoạt kho học liệu điện tử. Mã thẻ cào của sách giả thường sao chép từ mã sách thật, nên khi kích hoạt sẽ bị báo mã không đúng hoặc đã qua sử dụng, học sinh không thể truy cập vào hệ thống học liệu số.
Cách nhận biết sách giáo khoa, thiết bị, đồ dùng học tập giả đã được các doanh nghiệp, nhà xuất bản truyền thông qua nhiều kênh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà xuất bản cũng mở rộng kênh phân phối, gồm cả trực tuyến, để tăng độ nhận diện của người tiêu dùng và tích cực phối hợp với cơ quan chức năng chống nạn làm giả.
Về phía cơ quan chức năng, nhiều đợt truy quét các cơ sở sản xuất sách giáo khoa, đồ dùng học tập giả được triển khai không chỉ trước năm học mới mà trong suốt cả năm. Tổng cục Quản lý thị trường cũng mở phòng trưng bày sách giáo khoa, đồ dùng học tập giả để người tiêu dùng quan sát trực quan, phân biệt sản phẩm giả.
Tuy vậy, việc đẩy lùi nạn sách giả không dừng lại ở những chuyên đề mà cần trở thành công việc thường xuyên, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cơ quan chức năng, nhà xuất bản và người tiêu dùng.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Đức Lê:
Xử lý nghiêm vi phạm
Hằng năm, trước các dịp khai giảng năm học mới, Tổng cục Quản lý thị trường đều chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương xây dựng kế hoạch chuyên đề về chống sách giả, trong đó có sách giáo khoa, đồ dùng học tập giả, cũng như tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất cơ sở in ấn, kinh doanh sách, đồ dùng học tập. Trong quá trình đó, nếu phát hiện các địa điểm sản xuất, tàng trữ, kinh doanh các sản phẩm sách lậu, đồ dùng học tập kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm. Thực tế, hàng loạt vụ vi phạm, với hàng vạn đầu sách giả đã bị phát hiện, xử lý thời gian qua.
Tuy vậy, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống sách giả chính là độc giả, những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi khách hàng, người đọc ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và cộng đồng, xã hội thì nạn sách giả, sách lậu mới được giải quyết triệt để.
Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng:
Đẩy mạnh phát hành sách trực tuyến
Chúng tôi khuyến nghị phụ huynh học sinh và giáo viên nên mua sách ở hệ thống các cửa hàng bán sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, các đơn vị thành viên, các công ty sách - thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường. Tất cả hệ thống cửa hàng sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi cũng thiết lập đường dây nóng hoạt động từ 8h đến 22h hằng ngày kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ để tiếp nhận và giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng trên cả nước.
Bên cạnh phát hành sách tại các cửa hàng, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng phát hành sách qua các nền tảng số, để ngăn chặn tình trạng cạnh tranh sách giả, sách lậu trực tuyến. Trong thời gian tới, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ đẩy mạnh phương thức phát hành online để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.
Anh Lê Thế Hải (phường Gia Thụy, quận Long Biên):
Nói không với sách giả
Sách giả, đặc biệt là sách giáo khoa giả, đồ dùng học tập giả gây hệ lụy không nhỏ cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, cả về trí tuệ và sức khỏe. Tôi mong cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm, để ngăn chặn tiến tới dẹp bỏ vấn nạn này.
Do chưa có nhiều thông tin nên trước đây đôi lúc tôi cũng đã mua phải sách giả, bút, vở không rõ nguồn gốc. Để người dân như tôi có thể nhận biết, phân biệt được sách giả, sách thật, theo tôi cơ quan chức năng cần tăng cường công tác truyền thông. Như việc mở phòng trưng bày sách giáo khoa, đồ dùng học tập giả của Tổng cục Quản lý thị trường gần đây là việc làm rất thiết thực, giúp người dân nắm bắt các đặc điểm của sách giả. Nhằm góp phần làm trong sạch thị trường sách giáo khoa, tôi sẽ nói không với sách giả, chỉ mua sản phẩm ở những cơ sở uy tín để sách giả không còn đất sống.
Hà Thư ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.