(HNM) - Thời gian gần đây, hàng loạt tin đồn về đỉa xuất hiện trong các sản phẩm thực phẩm như sữa, bim bim, bánh kẹo, dưa vàng, thậm chí cả dưa đỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc… đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng và cả hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Đặc biệt, ở một số xã của huyện Thạch Thất, nơi mà thời gian gần đây có việc thu mua đỉa với giá cao, những thông tin này liên tục phát tán khiến không ít người dân hoang mang...
Người dân lựa chọn hoa quả tại siêu thị Big C.Ảnh: Đàm Duy
Ông Nguyễn Lân Hùng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam cho biết đây là những thông tin cực kỳ vô lý, không có một chút cơ sở khoa học nào. Đỉa là loại sinh sản hữu tính nên không có chuyện giết rồi tán nhuyễn ra mà vẫn sống và sinh sản được. Hơn nữa đỉa chỉ có thể sinh sản và phát triển trong môi trường nước ngọt, ẩm ướt… chứ không thể tồn tại trong môi trường đậm đặc đường như sữa hay nhiều axít và men tiêu hóa như dạ dày người. Còn nhìn từ góc độ chế biến thực phẩm, các sản phẩm sữa, bim bim đều được khử trùng ở nhiệt độ lên tới 140oC (riêng sữa sản xuất theo phương pháp công nghiệp còn phải trải qua màng lọc đến 0,2 micromet) nên vi khuẩn, các ấu trùng hay vi sinh vật cũng khó sống được, nói gì đến việc sinh sôi.
Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cũng đã có văn bản bác tin đồn có đỉa và sinh vật lạ trong sữa và bim bim. Cơ quan này cho biết qua kiểm tra các mẫu vật phẩm thì không hề phát hiện ấu trùng hay đỉa trong sữa và bim bim. Một số mẫu của các đoàn thanh tra cũng như của các công ty sữa gửi về xét nghiệm đều cho kết quả đúng với công bố về tiêu chuẩn sản phẩm của doanh nghiệp, không có yếu tố về vi sinh vật, kim loại nặng, bào tử nấm. Nghĩa là không có đỉa hay bất cứ một điều kiện nào cho ấu trùng hoặc đỉa tồn tại và phát triển được. Tuy nhiên, tiếng nói của cơ quan chức năng quá chậm nên chưa thể dập tắt được những lời đồn thổi với tốc độ "thần tốc".
Về việc vì sao tin đồn về đỉa xuất hiện tràn lan như vậy và cái gì cũng gắn với đỉa mà không phải loài khác, nhiều chuyên gia cho rằng có thể nó là dư âm của thông tin thương lái Trung Quốc mua đỉa giá cao không rõ mục đích. Vì không biết họ mua đỉa làm gì nên nhiều người đã cho việc thu mua này có mục đích xấu là đưa vào thực phẩm (?). Cũng không loại trừ những thông tin này xuất phát từ động cơ cạnh tranh không lành mạnh trong giới doanh nhân. Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng phát đi thông điệp khẳng định đó là những tin đồn thất thiệt nhằm phá hoại kinh tế, gây mất ổn định xã hội và đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp xử lý, dập tắt. Tuy nhiên, những tin đồn này thường xảy ra ở khu vực nông thôn, nơi người tiêu dùng ít có điều kiện tiếp cận, sàng lọc thông tin mà chỉ nghe truyền miệng nên rất khó để xác định đúng - sai, có lý hay vô lý. Thế nên khi mà tin đồn còn chưa được kiểm chứng thì hậu quả đã xảy ra, ít nhất cũng là sự bất an về tâm lý (cũng như tin đồn gạo giả xuất hiện hồi đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phải huy động toàn bộ nhân lực để điều tra, xác minh người tung tin đầu tiên và các cơ quan liên quan cũng tham gia phân tích với kinh phí khá tốn kém. Cuối cùng xác định thông tin đầu tiên được đưa ra từ một người rất vô trách nhiệm và kết quả xử lý chỉ là nhắc nhở rút kinh nghiệm (!). Trong khi đó, thông tin này đã khiến gạo của bà con nông dân không tiêu thụ được, giá tụt mạnh, cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều bị thiệt hại).
Song dù gì thì gì, dư luận xã hội đều nghiêng về khẳng định, phần nhiều trong các tin đồn về thực phẩm, hàng hóa có đỉa bên trong xuất hiện thời gian gần đây đều xuất phát từ động cơ không lành mạnh, nếu tiếp tục xuất hiện sẽ gây nhiễu loạn thông tin, tạo nên một hiệu ứng xấu đến tập quán tiêu dùng của cộng đồng và tác hại cho nền kinh tế mà trước hết chính là các doanh nghiệp "dính" tin đồn. Thế nên, theo các cơ quan có trách nhiệm, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phải bình tĩnh, cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt này và cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý ngay từ khi chúng mới xuất hiện.
Trong pháp luật hiện hành, cụ thể là trong luật hình sự cũng như một số nghị định của Chính phủ, đã có những quy định rất cụ thể đối với việc xử lý những hành vi tung tin đồn xấu này. Ở đây, nếu xác định được chính xác đối tượng tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì người tung tin đồn sẽ mắc vào tội vu khống và tùy vào những tác hại, ảnh hưởng tiêu cực mà hành vi đó gây ra với cộng đồng, xã hội người phạm tội sẽ phải chịu các hình phạt cụ thể tại Điều 122 Bộ luật Hình sự với mức cao nhất là 7 năm tù. Tương tự, về xử phạt vi phạm hành chính, hành vi "bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường" sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 18, Nghị định 84/2011/NĐ-CP ngày 20-9-2011 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá). Vấn đề là các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng và chính quyền các cấp có quan tâm, coi trọng đúng mức và quyết tâm làm đến nơi đến chốn hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.