Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn nạn “cái bang” Sài thành (tiếp theo và hết)

Tiến Thành| 11/01/2015 05:50

(HNM) - Có những người nghèo bơ vơ không chốn dung thân nhưng cũng có nhiều đối tượng lười biếng, giả dạng lợi dụng lòng nhân ái trong mỗi con người để kiếm tiền bất chính.

Sau nhiều ngày (kể từ ngày 28-12-2014) TP Hồ Chí Minh thu gom đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội, chúng tôi đến nơi ở mới của họ. Có những người nghèo bơ vơ không chốn dung thân nhưng cũng có nhiều đối tượng lười biếng, giả dạng lợi dụng lòng nhân ái trong mỗi con người để kiếm tiền bất chính.

Trung tâm Hỗ trợ xã hội (phường 13, quận Bình Thạnh), trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh không lớn nhưng cách xa đường phố náo nhiệt, rất yên tĩnh cho những người bị "buộc" vào đây ngẫm nghĩ về những chuyện đã qua. Phó Giám đốc Trung tâm Võ Thanh Quang nói: "Họ ăn xin, nhưng không bao giờ tự nhận là ăn xin đâu, một số người gặp chúng tôi đến nhẵn mặt rồi…".

Ngồi bên hồ nước nhỏ, hai bà Hồ Thị Diệu, Nguyễn Thị Tâm đang nhỏ to điều gì đó. Thấy có người lạ, hai bà bỗng nhiên im bặt, phải nhờ cô nhân viên trung tâm giới thiệu, họ mới có thể cởi mở hơn khi kể về những nỗi buồn của tuổi già. Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", nhẽ ra là lúc các bà được sum vầy bên con cháu, nhưng rồi phải lang thang kiếm vài đồng bạc lẻ sống qua ngày.

Người ăn xin xúc động khi sống trong sự chăm sóc ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh.


Bà Diệu (72 tuổi) kể, ngày xưa ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), thời còn sức lực quanh năm đi làm thuê làm mướn, trồng hoa trồng sắn nhưng mỗi ngày chỉ được trả công dăm bảy chục nghìn. Đến lúc tuổi cao sức yếu, gia cảnh quá nghèo nên phải tìm đường lang thang kiếm sống. "Ngày 28-12-2014, tôi đang xin ở ngã tư Bảy Hiền thì có mấy anh công an đến đưa lên phường rồi đưa tới đây", bà móm mém nói. Bà kể rằng có một đứa cháu, theo cách gọi thân thương của bà là bé Hạnh, sống tại đường Lý Chính Thắng (nhưng không rõ địa điểm cụ thể). Cũng bởi "nhớ nhớ quên quên" nên cả ở TP Hồ Chí Minh lẫn ngoài Thừa Thiên Huế đến không thể liên lạc được với gia đình, bà phải ở lại. Nhắc đến đây, bà Diệu tự nhiên bật khóc, những giọt nước mắt lăn trên những nếp nhăn.

Bà Tâm (73 tuổi), theo lời kể thì sinh ra ở Campuchia. Năm 2009, bà từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh chăm nuôi người chị họ bị bệnh. Chị mất, bà bơ vơ sống tại một nhà tình thương tư nhân. Rồi từ đó bà lang thang xin ăn tại các đền chùa trong thành phố. Trong lúc nói chuyện, bà liên tục đấm bóp ống chân phải, theo như bà nói thì bị suy giảm tĩnh mạch. Bà cũng vào trung tâm cùng thời gian với bà Diệu, mới chỉ vài ngày qua thôi nhưng hai bà rất thân nhau. Ngày 28-12-2014 khi bà đang xin ăn ở khu vực đền thờ ở đường Trường Chinh thì được lực lượng chức năng đưa về trung tâm. Bà Tâm kể ban đầu không vừa lòng vì không hiểu bị đưa đi vì lý do gì. Đến khi vào trung tâm, thấy được chăm sóc tốt, lại có chỗ ăn ngủ, được thăm khám bệnh, vui chơi trò chuyện với mọi người nên không còn muốn ra nữa.

Bà Diệu bảo "Bữa ăn có canh, món mặn, cả trái cây nữa, ngon lắm, ngủ mỗi người một giường rất thoải mái". Cán bộ Trung tâm cho biết, hiện tại hai bà đã đăng ký để có thể tiếp tục ở lại trung tâm trong những ngày tháng ít ỏi còn lại trong đời người. Đôi bạn già ấy như tri âm tri kỷ dù mới chỉ gặp nhau được vài ngày ngắn ngủi. Âu cũng mừng cho họ!".

Tại Trung tâm, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đã luống tuổi đang bế đứa bé ngồi trên ghế đá, đôi mắt hõm sâu nhìn xa xăm. Anh tên Nguyễn Văn Bình, quê tại Cần Thơ. Chúng tôi có ý muốn nói chuyện, anh đưa cháu bé vào phòng nhẹ nhàng đặt xuống giường, phe phẩy đôi tay đưa cháu bé vào giấc ngủ sâu. Theo lời anh Bình nói thì đứa bé là cháu của anh. Sau giây lát bất ngờ, chúng tôi lại chuyển sang chút ngờ vực. Liệu anh Bình có là người thân thật sự của cháu bé, hay cũng giống như người đàn bà bế đứa trẻ đi xin ăn ở quận 1 đã lừa lọc tình thương người của chúng tôi. Tuy nhiên, cả cán bộ Trung tâm lẫn chúng tôi đều không tìm được câu trả lời thỏa đáng, bởi cũng giống như những người khác, chưa thể xác định rõ nhân thân của đa số người lang thang xin ăn được gom vào đây.

"Khi tôi đang cùng cháu đi xin ở chợ Thủ Đức thì được các cán bộ đưa về đây", anh Bình kể lại. Chúng tôi hỏi đến thu nhập, anh cho biết đi xin mỗi người chỉ cho khoảng vài nghìn, mỗi ngày kiếm được từ 2 đến 3 trăm nghìn đồng. Sau một ngày ăn xin, anh Bình đi xe buýt về Đồng Nai, thuê phòng ở, ăn uống và thuốc men. Thắc mắc tại sao không thuê phòng ở TP Hồ Chí Minh "hành nghề" cho tiện, anh Bình cười: "Ở lâu thành quen rồi"… Hằng ngày, anh Bình cùng cháu bé lang thang xin ăn trong vai "cha con". Có thể hình dung ra một hình ảnh không hiếm gặp: Người "cha" nằm lê lết từng chút một trên đường mặc cho nắng rát hay vũng nước bẩn thỉu, người "con" đi trước đến từng người xin tiền. Chúng tôi hỏi kỹ hơn về cách thức xin ăn, Bình tìm cách lảng tránh…

Có thể xử lý tận gốc?

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh Võ Thanh Quang cho biết, năm 2014 Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.700 người lang thang ở nơi công cộng. Từ ngày 28-12-2014, Trung tâm đã tiếp nhận 62 trường hợp người xin ăn và vẫn tiếp tục nhận những trường hợp khác. Trung tâm chỉ có chức năng tiếp nhận, phân loại và xác minh nhân thân của các đối tượng trong vòng 30 ngày. Sau 30 ngày quản lý, nếu có nơi cư trú thì sẽ được trả về nhà, còn lại thì sẽ phân loại đưa về các trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng của Sở LĐ-TB&XH. Toàn bộ chi phí sinh hoạt cho những người này được ngân sách chi trả.

Ông Võ Thanh Quang cho biết thêm những người lang thang ăn xin trong thành phố chủ yếu là người ngoại tỉnh. Vì vậy rất khó xác định nhân thân của họ. Muốn làm triệt để vấn nạn người ăn xin không chỉ quyết liệt ở TP Hồ Chí Minh mà phải từ địa phương quê quán của họ. Địa phương quản lý tốt, có biện pháp tạo việc làm nâng cao kinh tế cho những hộ nghèo, thì thành phố sẽ không có ăn xin.

Chúng tôi tạm biệt Trung tâm, khi những người lang thang ăn xin vẫn tiếp tục được thu gom đưa về. Trên đường đi, chúng tôi vẫn thấy lác đác những người chìa tay kiếm vài đồng lẻ tại nhiều nơi công cộng. Điều luôn day dứt là có thể ngăn chặn dứt điểm tệ nạn này được không? Tin rằng nếu quyết tâm, chắc chắn được, nhưng không thể trong một sớm một chiều và không thể chỉ với sự giải quyết tích cực của chính quyền TP Hồ Chí Minh.

Ngày 18-12-2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 49 về việc quản lý người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định với mục tiêu trước mắt là bảo đảm an sinh cho người lang thang, xin ăn, phòng tránh họ gặp những nguy cơ về tai nạn giao thông cũng như bị các đối tượng chăn dắt lợi dụng, lâu dài là xây dựng TP hiện đại, văn minh. Thành phố phân loại các đối tượng, đưa vào khu tập trung để giáo dục chăm sóc nuôi dưỡng, hỗ trợ học văn hóa, học nghề… các cơ quan phối hợp theo dõi, phát hiện đối tượng chăn dắt để xử lý nghiêm, nếu đủ yếu tố vi phạm hình sự thì đề nghị công an khởi tố.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Vấn nạn “cái bang” Sài thành (tiếp theo và hết)

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.