(HNM) - Những năm qua, Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương, trong đó có Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn vấn nạn bơm tạp chất vào tôm nói riêng và thủy sản nói chung, nhưng chưa thể xử lý triệt để. Mới đây nhất, việc Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố kiểm tra, xử lý một vụ bơm tạp chất vào tôm tại quận Hoàng Mai càng cho thấy rõ điều đó. Để đẩy lùi vấn nạn này, bảo đảm nguồn thủy sản sạch cho thị trường, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử lý vi phạm.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Theo bác sĩ Bạch Thị Nhớ, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), các mặt hàng thủy sản khi bị bơm tạp chất, đặc biệt tạp chất dạng lỏng, sẽ tạo môi trường cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn thủy sản bị bơm tạp chất sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm, như: Tả, tiêu chảy, thương hàn...
Trong khi đó, Đội trưởng Đội hành chính tổ chức (Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Bình Minh cho biết, việc bơm tạp chất vào thủy sản không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn là hành vi gian lận thương mại.
Liên quan đến vụ việc được phát hiện đêm 6-4 tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), ông Nguyễn Bình Minh thông tin, Thanh tra Sở và các lực lượng chức năng thành phố đang tiếp tục làm việc với chủ cơ sở có hành vi bơm tạp chất vào tôm để thu thập thêm bằng chứng. Sau khi có kết quả mẫu kiểm nghiệm xác định loại tạp chất đưa vào tôm và điều tra làm rõ nhà hàng nào trên địa bàn thành phố đã tiêu thụ tôm bơm tạp chất của cơ sở này (dự kiến trong tháng 4 sẽ có kết quả) cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý nghiêm.
Bà Nguyễn Thị Thúy, chủ cửa hàng thực phẩm Nông Trang (quận Hà Đông) giải thích, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nêu trên là, hiện nay, 1kg tôm loại to có giá 500.000-600.000 đồng/kg, do đó để thu lợi nhuận cao, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đã cố tình bơm tạp chất vào tôm nhằm nâng trọng lượng.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát cho biết, hiện toàn thành phố có 198.108 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; trong đó, có nhiều cơ sở hoạt động theo thời vụ, liên tục thay đổi địa điểm sản xuất kinh doanh. Tình trạng bơm tạp chất vào tôm cũng như thủy sản khác chủ yếu xuất phát từ những cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản nhỏ lẻ. Đây chính là "nút thắt" khiến việc quản lý, kiểm tra, xử lý vấn nạn này gặp không ít khó khăn.
Tăng cường thanh tra, bổ sung chế tài xử lý
Để xử lý tình trạng bơm tạp chất vào thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh thủy sản nhỏ lẻ, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động...
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thái Hoàng cho biết, công ty chỉ mua tôm của những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ; đồng thời đề xuất cơ quan chức năng có chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi bơm tạp chất vào thủy sản.
Cũng về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã có các khung hình phạt cá nhân, tổ chức sơ chế, chế biến đưa tạp chất vào thủy sản. Cụ thể, mức xử phạt với cá nhân là 300.000-500.000 đồng, với tổ chức là 70-100 triệu đồng. Tuy nhiên, để xử lý triệt để hành vi này cần phải có chế tài mạnh hơn. Với hành vi không xác định được tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự, Cục sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp để xử lý hình sự...
Để ngăn chặn, xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào thủy sản, cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các vi phạm, thông báo rộng rãi tên cơ sở vi phạm để người dân biết…, các cấp, ngành, địa phương của thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất, kinh doanh thủy sản nhận thức rõ việc bơm tạp chất là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.