Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vân Lũng - làng trong phố!

Dương Hà| 09/07/2022 06:36

(HNM) - Từ lâu, làng Vân Lũng, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) đã được người dân trong vùng gọi với cái tên “làng trong phố”. Bởi, bao quanh Vân Lũng là các khu đô thị, đời sống người dân khá giả, nhà cửa khang trang, đường làng luôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Điều đáng quý là dù đất nông nghiệp của làng đã bàn giao hết để xây dựng các khu đô thị, nhưng người dân trong làng vẫn tận dụng tối đa đất vườn nhà, hoặc đi thuê đất trồng hoa, cây cảnh, đồng thời duy trì nghề làm mành truyền thống để làm giàu cho gia đình, quê hương.

Sản xuất mành trang trí tại làng Vân Lũng, xã An Khánh (huyện Hoài Đức).

Nghề “tri kỷ”

Nói đến làng Vân Lũng, người dân trên địa bàn Hà Nội, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố lân cận ít nhiều đều biết, bởi làng có nghề truyền thống nổi tiếng bao đời nay - nghề làm mành (tre, nứa…). Không chỉ giỏi sản xuất ra những chiếc mành che chắn nắng mưa, mành trang trí, mành trải giường…, người dân Vân Lũng còn rất thạo trong tiếp thị, kinh doanh sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra.

Để mục sở thị ngôi làng trong phố, chúng tôi đã được Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vân Lũng Hoàng Văn Cần dẫn đi dạo một vòng quanh làng. Từ đầu đến cuối làng, đâu đâu cũng bắt gặp những ngôi nhà tầng san sát, trong đó có không ít ngôi nhà được xây dựng to, đẹp, kiểu cách biệt thự. Rất nhiều hộ gia đình trong làng đã làm đẹp cho nhà mình bằng việc trang trí các loại hoa, cây cảnh từ cổng nhà, sân vườn đến ban công các tầng, sân thượng, khiến cho khung cảnh làng quê càng trở nên xanh tươi, mát mắt.

Đến Vân Lũng, sẽ thấy dọc các bức tường, bờ ao… trong làng đều được người dân tận dụng để phơi nan và mành đã hoàn thiện. Ở nhiều ngõ nhỏ, người dân còn mang tre, nứa ra chẻ, đan mành, tiếng nói cười rộn rã. Tay thoăn thoắt vót nan, ông Hoàng Bá Thuyên, 64 tuổi, ở xóm Trại, thôn Vân Lũng tự hào khoe với phóng viên về nghề làm mành truyền thống của làng: “Từ nhỏ tôi đã biết làm nghề. Lớn lên, dù đi thoát ly nhưng mỗi khi về nhà tôi lại làm nghề. Nay tuổi đã cao, mắt cũng không được tinh nữa, nhưng nghề vẫn là “tri kỷ” của vợ chồng tôi cũng như người dân làng Vân Lũng”.

Còn ông Bùi Văn Hoa, 66 tuổi, ở xóm Gúc, thôn Vân Lũng, bộc bạch: “Năm 12 tuổi, tôi đã thành thạo nghề làm mành. Để có được sản phẩm đẹp, chất lượng, bên cạnh bàn tay khéo léo của người Vân Lũng trong việc pha, vót nan, đan mành… phải kể đến khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu sử dụng làm mành là những loại cây thuộc họ tre thẳng, ít đốt, bánh tẻ (không quá già, không non) thì khi làm ra sản phẩm mới đẹp, mới bền”.

Trò chuyện với chúng tôi về nghề “tri kỷ” của làng, Trưởng thôn Vân Lũng Hoàng Văn Cần cho biết, đến nay, ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng không biết chính xác nghề làm mành truyền thống ở Vân Lũng có từ bao giờ. Bản thân ông Cần năm nay ngoài 60 tuổi nhưng từ khi còn nhỏ, ông bà, bố mẹ của ông đã làm nghề đan mành. Cách đây hơn chục năm, dân làng còn làm thêm một số sản phẩm thủ công khác như thúng, sọt… Nhưng đến nay, chỉ có nghề đan mành là gắn bó với người dân Vân Lũng lâu nhất.

“Hiện, toàn bộ sản phẩm mành do làng làm ra được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mành Vân Lũng ngày càng có chỗ đứng trên thị trường bởi sản phẩm đẹp, chất lượng, giá cả cạnh tranh. Mẫu mã cũng rất đa dạng, từ mành tre sử dụng che chắn mưa nắng cho cửa chính, cửa sổ, mành trải giường cho đến những tấm mành lớn cao cấp được sử dụng để treo ở cửa đình, cửa chùa…”, ông Hoàng Văn Cần thông tin.

Quyết tâm giữ nghề

Ngoài nghề làm mành truyền thống, người dân Vân Lũng còn có nghề làm ra các sản phẩm thủ công khác như chổi, thảm… Đặc biệt, từ những năm 1995-1996 trở lại đây, người dân Vân Lũng bắt đầu học và làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Hiện nay, cả thôn có hơn 100 hộ chuyên trồng, bán hoa, cây cảnh quy mô lớn ở khắp các chợ trên địa bàn Thủ đô, như: Chợ Bưởi, chợ Hà Đông, chợ Vạn Phúc (quận Hà Đông)… và một số tỉnh lân cận. Ngoài ra, còn hàng trăm lao động hằng ngày chở hoa, cây cảnh, mành, thảm, chổi… đi bán lẻ ở nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, thậm chí sang cả các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, đem lại thu nhập cao, bình quân 500.000-800.000 đồng/lao động/ngày.

Đến thăm vườn hoa, cây cảnh của gia đình chị Trần Thị Bé (xóm Trại Mới), với hàng trăm cây hoa giấy rực rỡ sắc màu, cùng nhiều loại cây cảnh khác, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí vượt khó vươn lên làm giàu của người dân Vân Lũng. Trồng hoa, cây cảnh từ năm 1995, nhưng do đất nông nghiệp của gia đình đã bàn giao hết để xây dựng khu đô thị nên ngoài tận dụng đất vườn, gia đình chị Bé phải mượn đất để trồng hoa, cây cảnh. Chỉ tay về phía ngôi nhà cao tầng khang trang của gia đình, chị Trần Thị Bé khoe: “Ngôi nhà này được chúng tôi xây cất từ tiền lãi trồng và bán hoa, cây cảnh. Dẫu khó khăn về đất đai, nhưng nghề đã nuôi sống người dân Vân Lũng nên chúng tôi quyết tâm giữ nghề…”.

Làng Vân Lũng hiện có khoảng 1.000 hộ dân thì có gần 100% số hộ làm nghề phụ, trong đó chủ yếu là nghề làm mành, trồng hoa, cây cảnh. Trước đây các hộ dân làm thủ công, nhưng những năm gần đây, cả thôn đã có 15 cơ sở sản xuất mành được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất mành các loại, nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. “Điển hình là cơ sở sản xuất mành của hộ anh Bùi Văn Biên và Bùi Văn Lai ở xóm Quán; Bùi Văn Long, xóm Lò; Hoàng Văn Tiến, xóm Trại… Các cơ sở này giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ, thu nhập 6-10 triệu đồng/lao động/tháng và hàng chục lao động vệ tinh nhận nan về đan mành tại nhà, thu nhập 150.000-200.000 đồng/lao động/ngày”, ông Hoàng Văn Cần cho hay.

Đánh giá về những kết quả thôn Vân Lũng đạt được, Chủ tịch UBND xã An Khánh Bùi Quang Ất cho biết, nhờ có nghề phụ phát triển, người dân chăm chỉ lao động, sản xuất nên đời sống của người dân Vân Lũng ngày càng no ấm. Bình quân thu nhập đầu người năm 2021 của Vân Lũng đạt gần 90 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân chung toàn xã (hơn 70 triệu đồng/người/năm). Hầu hết các hộ dân đều có “của ăn, của để”, kiến thiết nhà cửa khang trang, mua sắm trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại đắt tiền. Vui nhất là từ nhiều năm nay, Vân Lũng không còn hộ nghèo, người dân trong làng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân Vân Lũng rất cao, nhiều năm không có đơn thư vượt cấp.

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng khấm khá, nhưng Vân Lũng đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô phát triển do quỹ đất hạn hẹp, nếu tiếp tục sản xuất mành truyền thống trong làng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường sống. Do đó, hầu hết các hộ dân làm nghề đều mong muốn được thuê đất xa khu dân cư để mở rộng quy mô sản xuất. Mong rằng, đề xuất của người dân Vân Lũng sớm được đáp ứng, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước xây dựng thương hiệu làng nghề, để Vân Lũng - “làng trong phố” ngày càng phát triển hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vân Lũng - làng trong phố!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.