(HNM) - Khảo sát mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, so với nhu cầu sử dụng nước của người dân, lượng cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội vẫn thiếu hàng trăm nghìn mét khối ngày đêm.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã xây dựng thêm nhiều nhà máy xử lý nước sạch, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.Ảnh: Quốc Đạt |
Canh cánh nỗi lo thiếu nước
Sống tại trung tâm nội đô nhưng gia đình bà Bùi Kim Trang (quận Hoàn Kiếm) luôn canh cánh nỗi lo thiếu nước. "Chưa đến mùa hè nhưng người dân ở phường Hàng Trống thường xuyên sống chung với cảnh nước sạch chỉ có theo giờ. Buổi sáng có đến 8h, buổi chiều sau 16h nước mới đến và khoảng 21h lại mất. Nếu không trữ nước thì sinh hoạt quá khó khăn. Ở phố cổ, việc bố trí két nước dự trữ cũng không đơn giản bởi diện tích rất chật hẹp" - bà Trang chia sẻ. Việc cấp nước tại các khu chung cư cũng không khá hơn. Chị Nguyễn Linh Anh, sống tại P903, nhà A6, khu tập thể Giảng Võ cho biết, vào mùa hè, người dân ở đây phải trữ nước vào xô chậu để sử dụng bởi tình trạng mất nước khá phổ biến, ít thì nửa ngày hoặc có khi cả ngày.
Tương tự tại khu vực ngoại thành, nhiều nơi thậm chí chưa có nguồn nước sạch. Anh Lê Xuân Hải, một người dân sống tại thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) cho biết, nước sạch vẫn chỉ là mơ ước với các hộ dân ở đây. Người dân cơ bản phải dùng nước giếng khoan, xử lý qua bể lọc tự chế hoặc sử dụng nước mưa.
Khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, nhu cầu sử dụng nước của TP Hà Nội năm 2016 khoảng 1,25 triệu mét khối/ngày đêm. Căn cứ thực trạng phát triển đô thị những năm qua và dự báo các năm tiếp theo, dự kiến năm 2017, nhu cầu sử dụng nước của TP Hà Nội khoảng 1,35 triệu mét khối/ngày đêm và năm 2018 lên tới 1,45 triệu mét khối. So với nhu cầu thực tế, lượng nước còn thiếu khoảng 300 - 350 nghìn mét khối/ngày đêm, trong đó chưa tính đến các khu vực phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước.
Hiện tại, Công ty Nước sạch Hà Nội đang quản lý gần 669 nghìn khách hàng ở khu vực nội đô cũ và các huyện như Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và một phần huyện Mê Linh. Theo ông Nguyễn Bảo Vinh, Tổng Giám đốc Công ty, tổng lượng sản xuất nước của đơn vị hiện khoảng 620 nghìn mét khối/ngày đêm, dự kiến hè 2017 sẽ tăng lên tối đa 634 nghìn mét khối/ngày đêm. Vào hè, nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh 5 - 10%, tương ứng khoảng 30 - 60 nghìn mét khối/ngày đêm, dự báo một số khu vực tại Hà Nội sẽ thiếu nước cục bộ. Trong khi đó, năm 2017 thời gian hè kéo dài (nhuận tháng Sáu âm lịch) với dự báo thời tiết diễn biến bất thường; chế độ thủy văn có nhiều biến đổi, nguồn nước ngầm bổ cập kém... sẽ càng khiến tình hình cấp nước nơi cuối nguồn, khu vực có địa hình cao thêm khó khăn.
Không để mất nước quá 24 giờ
Trước những dự báo về khả năng thiếu nước mùa hè, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu 5 công ty cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch cấp nước mùa hè năm 2017 trên địa bàn quản lý.
Để bảo đảm việc cấp nước cho khu vực nội thành và một phần ngoại thành, Công ty Nước sạch Hà Nội đã xây dựng phương án cấp nước cụ thể cho mùa hè 2017. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các công ty cổ phần cấp nước Vinasupco, Viwaco vận hành điều tiết hợp lý để tiếp nhận nguồn nước mặt sông Đà, qua đó cấp bổ sung 20 - 30 nghìn mét khối/ngày đêm cho quận Đống Đa, Cầu Giấy; đơn vị sẽ có phương án cấp nước luân phiên, cấp nước bằng xe téc khi thiếu nước cục bộ, trong đó ưu tiên bệnh viện, trường học, lực lượng vũ trang, khu chung cư. Cùng với đó, công ty sẽ cử lãnh đạo trực theo ca vào cả ngày nghỉ, lễ, Tết trong thời gian cấp nước hè (từ ngày 15-4 đến hết 15-10). Đặc biệt, đơn vị sẽ tổ chức tiếp nhận thông tin 24/24 giờ về tình trạng mất nước, chất lượng nước để kịp thời cử cán bộ xử lý, trả lời người dân ngay trong ngày.
Dự báo của Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội cho thấy, vào thời gian cao điểm mùa hè, khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm khi nắng nóng kéo dài có thể xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Khu vực huyện Mê Linh cũng trong tình trạng tương tự khi Nhà máy nước Quang Minh không đáp ứng đủ yêu cầu. Để khắc phục thực tế này, công ty sẽ thực hiện chế độ vận hành các trạm sản xuất trên nguyên tắc phát huy tối đa năng lực sản xuất; duy trì cấp nước an toàn, liên tục, ổn định trừ khi xảy ra sự cố bất khả kháng. Mục tiêu của công ty là không để khu vực quản lý xảy ra tình trạng thiếu nước hoặc không có nước sử dụng quá một ngày.
Một thông tin đáng quan tâm là đầu tháng 3 vừa qua, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống với tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ đồng, quy mô đến năm 2020 đạt công suất 300 nghìn mét khối/ngày đêm đã được khởi công xây dựng tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Dự án hoàn thành sẽ bảo đảm cung cấp nước sạch cho 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện khu vực phía Đông Bắc, phía Nam TP Hà Nội và các vùng phụ cận.
Với sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, nguồn cung nước sạch trên địa bàn Hà Nội sẽ dần ổn định, qua đó đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đặc biệt là trong những ngày hè nắng nóng.
Để mở rộng nguồn cấp nước cho TP Hà Nội giai đoạn 2017-2018, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long lên 150 nghìn mét khối/ngày đêm; đầu tư xây dựng trạm cấp nước Dương Nội công suất 30 nghìn mét khối/ngày đêm (tại trạm bơm tăng áp Hà Đông); đầu tư xây dựng trạm cấp nước Quan Sơn (huyện Mỹ Đức); hệ thống cấp nước Nhà máy nước Xuân Mai công suất 600 nghìn mét khối/ngày đêm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.