Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là khoảng lặng

Lâm Vũ| 08/09/2012 06:17

(HNM) - Thời gian gần đây nhiều vụ doanh nghiệp (DN) xả chất thải độc hại ra môi trường đã bị phát giác và xử phạt với mức độ khác nhau, thế nhưng việc thực hiện trách nhiệm môi trường của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, không vì thế mà tốt hơn.


Vụ chất thải làm ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Vedan là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp về trách nhiệm với môi trường. Ảnh: TTXVN

- Được biết, tháng 8 vừa qua, Viện Triết học đã thực hiện một cuộc khảo sát về môi trường ở 45 DN của Hải Phòng. Kết quả khảo sát đã cho thấy vấn đề gì nổi cộm nhất, thưa bà?

- Tại các DN xuất khẩu sang các nước Châu Âu và Mỹ, nhận thức về việc thực hiện trách nhiệm môi trường rất tốt. Điều này một phần xuất phát từ đòi hỏi của đối tác. Khi xuất hàng, nếu không có chứng nhận ISO thì sản phẩm sẽ khó tiêu thụ. Các DN lớn hiện nay cũng biết và thực hiện các bộ quy tắc mới nhất liên quan tới môi trường như ISO 26000, SA 8000... Họ cũng xác định các bộ quy tắc này là mục tiêu phải làm. Nhưng nhận thức như thế chủ yếu nằm ở DN lớn, các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Còn các DN vừa và nhỏ hầu như không quan tâm. Thậm chí, khi chúng tôi hỏi có phân biệt được trách nhiệm môi trường trong phạm vi trách nhiệm xã hội không thì họ không hiểu. Họ chỉ biết thực hiện theo luật và không phân biệt được ranh giới giữa một cái buộc phải làm (tức là luật) với cái tự nguyện làm bởi các bộ quy tắc liên quan đến môi trường. Khảo sát cho thấy, các DN vừa và nhỏ vẫn tuân theo quy định về môi trường của luật pháp nhưng cái thôi thúc để người ta thực hiện điều đó thì chưa có.

- Việc thực hiện trách nhiệm môi trường chưa được các DN vừa và nhỏ chú trọng. Phải chăng vì đã gây phiền phức hoặc không đem lại lợi ích cho DN?

- Không phải vậy! Việc thực hiện trách nhiệm môi trường mang lại những lợi ích kinh tế rõ rệt nhất, dễ thấy nhất. Thực hiện các quy tắc môi trường, bảo đảm không xả chất thải độc hại sẽ góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng dân cư tại địa bàn, vùng ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất của DN. Trường hợp Nhà máy Hóa chất supe phốt phát Lâm Thao, Nhà máy Bột ngọt Miwon… đã chỉ ra rằng nếu không nhận được sự ủng hộ của người dân, DN sẽ khó khăn thậm chí không thể hoạt động được.

Thực hiện tốt trách nhiệm môi trường sẽ góp phần làm đẹp hình ảnh của DN về mặt đạo đức. Những lợi ích từ trách nhiệm môi trường là rất lớn, không thể đo lường hết. Ngược lại, trong trường hợp không thực hiện đầy đủ thì không chỉ là những thiệt hại định lượng được về mặt kinh tế mà giá trị, hình ảnh của DN cũng bị tổn hại. Tại Việt Nam, thực tế cho thấy khi biết sản phẩm sữa có melamin hay Vedan gây ô nhiễm môi trường… người tiêu dùng đã tẩy chay những sản phẩm này. Trong một xã hội có trình độ dân trí ngày càng cao thì những hành vi vô trách nhiệm của DN có thể bóp chết sự tồn tại của họ.

- Những rào cản đối với DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ khi thực hiện trách nhiệm môi trường hiện nay là gì, thưa bà?

- Như đã nói ở trên, nhận thức về trách nhiệm môi trường của đa phần các DN Việt Nam còn khá hạn chế. Ngoài những DN mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ gắn liền với xuất khẩu và các DN trong chuỗi các DN lớn toàn cầu có mối quan tâm và nhận thức khá rõ ràng về trách nhiệm môi trường thì phần lớn DN vừa và nhỏ của Việt Nam chưa nhận thức rõ về vai trò cũng như lợi ích do việc thực hiện trách nhiệm môi trường mang lại. Điều đáng lưu ý là 95% DN nước ta thuộc loại hình DN này. Một rào cản khác là thiếu kinh phí để thực hiện các chuẩn mực của trách nhiệm môi trường, đặc biệt là đối với các DN vừa và nhỏ. Kinh phí không có dẫn đến công nghệ kém, công nghệ kém dẫn đến phát thải nhiều, gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam đang thiếu những chuyên gia hướng dẫn, tư vấn thực hiện một cách bài bản các bộ quy tắc liên quan đến môi trường.

- Vậy theo bà, phải làm thế nào để DN thực hiện tốt trách nhiệm môi trường?

- Theo tôi, trước tiên phải nâng cao nhận thức về mối quan hệ con người - môi trường tự nhiên cho các nhà quản lý, người lao động và các thành viên khác trong xã hội. Việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sẽ giúp cho hành động của các DN chuyển từ bắt buộc sang tự giác, tự nguyện. Đối với cộng đồng, điều này hết sức quan trọng bởi vì khi có tri thức môi trường, họ sẽ có tiếng nói phản đối, ngăn chặn những hành vi gây tác hại đến môi trường của DN ngay từ khi nó còn manh nha chứ không phải khi nó đã gây tác hại trên diện rộng. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa người sản xuất - người tiêu dùng. Người sản xuất cần phải ý thức được rằng nếu họ không tự giác, tự nguyện tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với họ và như vậy cũng đồng nghĩa với việc tự làm hại mình. Hơn hết là phải xây dựng trách nhiệm đạo đức với môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trách nhiệm đạo đức đối với môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải được coi là một trong những chuẩn mực của đạo đức kinh doanh.

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là khoảng lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.