Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn khó hạn chế văn bản “trên trời”

Hà Phong| 20/12/2018 07:26

(HNM) - Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được kỳ vọng sẽ là “cây gậy”pháp lý nâng cao công tác xây dựng, thẩm định, hạn chế những văn bản “trên trời”.


Đánh giá về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tư pháp khẳng định: Luật có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm trong các hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như: Quy định rõ hơn khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm pháp luật, thẩm quyền về mặt nội dung, bỏ bớt được một số hình thức văn bản…

Đặc biệt, Luật có nhiều quy định mới nhằm tách bạch quy trình xây dựng chính sách, cấm quy định thủ tục hành chính trong một số văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Song, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, quá trình thực thi luật cũng phát sinh một số bất cập. Đơn cử, quy trình đánh giá tác động, lập đề nghị xây dựng chính sách đối với một số văn bản cấp địa phương, nếu áp dụng một cách máy móc sẽ không đáp ứng được yêu cầu phải ban hành ngay và mang tính hình thức.

Việc cấm tuyệt đối ban hành thủ tục hành chính trong các văn bản dưới luật trong một số trường hợp sẽ không xử lý được những vấn đề nảy sinh, đặc thù. Chất lượng một số văn bản chưa cao, sự phối hợp trong quá trình xây dựng luật chưa hiệu quả…

Thực tế trong công tác xây dựng pháp luật, còn không ít đơn vị chưa chủ động trong việc đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực được giao quản lý, mà chỉ nghiên cứu, thực hiện đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi báo chí phản ánh bất cập hoặc Bộ Tư pháp “tuýt còi”. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều văn bản ban hành không bảo đảm tiến độ, phải chuyển sang năm sau hoặc không được ban hành.

Luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, gốc vấn đề là nội dung đánh giá tác động của từng chính sách phải nêu rõ vấn đề cần giải quyết, mục tiêu của chính sách. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn quy định 5 tiêu chí đánh giá, như: Tác động về kinh tế, tác động về xã hội, tác động về giới (nếu có), tác động của thủ tục hành chính (nếu có) và tác động đối với hệ thống pháp luật; đồng thời quy định 2 phương pháp đánh giá tác động theo phương pháp định tính, định lượng.

Dù băn khoăn quy trình xây dựng chính sách còn thiếu chặt chẽ, song từ thực tiễn cơ sở, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn cũng ủng hộ quan điểm, đây là một quy định tiến bộ, cập nhật xu hướng xây dựng pháp luật tiên tiến.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Anh Tuấn, đây là việc khó, lại chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí nên rất khó bố trí được kinh phí bài bản để thực hiện việc xây dựng và đánh giá tác động của chính sách một cách có chất lượng. Do đó, tới đây không những cần hướng dẫn cụ thể hơn việc đánh giá tác động của mỗi tiêu chí khi xây dựng chính sách mà còn cần có cơ chế, chính sách tương xứng với những bộ phận triển khai để công tác xây dựng pháp luật đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn khó hạn chế văn bản “trên trời”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.