Lao động - Việc làm

Vẫn “khát” vốn vay giải quyết việc làm

Bạch Thanh 07/06/2024 08:45

Hiện nay, nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm của người dân khu vực nông thôn rất cao. Song, do nguồn vốn hạn chế khiến nhiều hộ gia đình và cá nhân chưa thể tiếp cận được.

von-vay.jpg
Nhờ nguồn vốn ưu đãi, mô hình trồng bưởi của người dân xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) mang lại thu nhập ổn định.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì không chỉ ổn định cuộc sống, mà còn vươn lên làm giàu. Điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Dung được vay ưu đãi 50 triệu đồng, đã đầu tư máy móc sản xuất chỉ tơ, tạo công ăn việc làm cho 5-7 lao động, với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/người/ tháng.

Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền thông tin, hiện tổng nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn đạt xã đạt gần 44 tỷ đồng và khoảng 70% nguồn vốn này là cho vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của người dân và số tiền được vay còn thấp (50 triệu đồng/hộ), nên cần nâng mức vay tối đa lên gấp đôi hiện nay để đầu tư hiệu quả hơn.

Tại huyện Gia Lâm, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của nông dân cũng rất cao. Ông Trần Chí Nguyện ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn đã sử dụng khoản vay ưu đãi để chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng bưởi trên diện tích 3ha. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới và sử dụng phân bón hữu cơ, thu nhập từ trồng bưởi đã tăng đáng kể, đạt khoảng 10 triệu đồng/sào, so với 3 triệu đồng/sào khi trồng lúa. Mỗi năm, vườn bưởi mang lại cho gia đình ông thu nhập gần 400 triệu đồng.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm Đặng Văn Lâm, mặc dù hiệu quả như vậy, song nguồn vốn vay giải quyết việc làm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hiện tổng nguồn vốn cho vay của huyện đạt gần 600 tỷ đồng, trong đó có hơn 413,2 tỷ đồng thuộc chương trình giải quyết việc làm, phục vụ 7.779 khách hàng.

Còn theo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoài Đức, nhiều hộ cần vốn để phát triển nghề và chuyển đổi nghề nghiệp do đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng khả năng đáp ứng của nguồn vốn lại rất hạn chế.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, lãi suất cho vay của chương trình giải quyết việc làm là 7,92%, tương đương với chương trình cho vay hộ cận nghèo. Dù lãi suất không thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại, nhưng thời gian vay tối đa 120 tháng và không phải thế chấp tài sản, nên nhiều người muốn tiếp cận. Do nguồn vốn không đủ, việc triển khai cho vay gặp khó khăn, nhiều người thắc mắc tại sao họ đủ tiêu chuẩn lại không được vay…

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho rằng, cần phải tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Hơn nữa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay để bảo đảm vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa đề nghị thành phố đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất, kinh doanh cho các hộ dân vay vốn. Cung cấp các khóa học ngắn hạn về kỹ thuật canh tác, quản lý tài chính, kinh doanh, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, xem xét điều chỉnh mức vay tối đa và thời hạn vay phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.

Hiện tại, Hà Nội là địa phương có nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cao, với hơn 12.500 tỷ đồng dư nợ, gần 47.000 hộ vay. Song, nguồn vốn này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do thành phố có địa bàn rộng, đông dân và có nhiều lao động thiếu việc làm. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phạm Văn Quyết cho biết, chi nhánh đã đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tiếp tục hỗ trợ và bổ sung ngân sách ủy thác cho chi nhánh. Ngân hàng cũng kêu gọi sự tham gia và đóng góp từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân có khả năng tài chính để tăng nguồn vốn giải quyết việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn “khát” vốn vay giải quyết việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.