Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận hội mới cho du lịch Việt Nam

Đức Huy| 01/04/2012 06:16

(HNM) - Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được cho là sẽ có tác động tích cực đến công tác quản lý, phát triển ngành du lịch.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện chiến lược, bao gồm cả những khó khăn mà nếu không được giải quyết thỏa đáng thì rất khó thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về vấn đề trên, Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Vận hội mới của ngành du lịch

- Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ góc độ quản lý ngành, ông đánh giá thế nào về tác động của nó đối với sự phát triển du lịch Việt Nam?

- Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành, nếu được triển khai thực hiện tốt chắc chắn mang lại vị thế mới cho ngành du lịch, thể hiện qua chỉ số đóng góp của ngành vào GDP, vai trò tác động tới sự phát triển của các ngành kinh tế khác, khả năng tạo việc làm và những tác động chính trị - xã hội quan trọng khác. Có thể coi đây là vận hội mới đối với ngành du lịch...

Ảnh: Nguyệt Ánh

- Ông gọi là "vận hội mới" có hợp lý?

- Tôi cho là hợp lý. Chiến lược vừa rộng dài, vừa chi tiết, hội đủ sự cần có của một văn bản mang tính định hướng ngành. Năm quan điểm chiến lược phát triển du lịch và các mục tiêu nêu trong chiến lược vừa thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, vừa khẳng định vị trí, vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển đất nước. Bảy nhóm giải pháp phát triển du lịch và kế hoạch hành động nêu trong chiến lược, nếu được triển khai đồng bộ thì chắc chắn tạo bước đột phá quan trọng.

- Năm quan điểm, bảy nhóm giải pháp, chắc chắn rất quan trọng. Vấn đề là trong cuộc sống, ta vẫn nghe bao điều bất cập mãi chưa giải quyết được của ngành du lịch?

- Cứ hình dung thế này cho đơn giản. Như khi ta xây một ngôi nhà thì phải biết xây để làm gì, để ở hay bán, nhà cho bao nhiêu người ở. Từ đó mới có phương án tổng thể, cả về quy mô, thiết kế kiến trúc, vật liệu, xem thợ thuyền thế nào. Và dự liệu tiền nong nữa. Mình còn khó khăn thì phải tập trung cho khâu nào, có thể xây chắc móng rồi định lộ trình cất từng tầng một... Tóm lại là phải có định hướng.

Chiến lược cũng vậy, dù thực tế là nó khác một trời một vực so với việc xây nhà, thậm chí là cả quần thể đô thị. Trong chiến lược, Chính phủ xác định rõ quan điểm định hướng, đầu tiên là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP. Đó là quan điểm xuyên suốt, có tính bao trùm. Bốn quan điểm sau là định hướng phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, rõ trọng tâm, trọng điểm và khả năng cạnh tranh theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan, môi trường; phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động tối đa nguồn lực cả trong, ngoài nước và phát huy lợi thế, tiềm năng, thế mạnh đặc trưng vùng, miền... Chiến lược mang tính vĩ mô nhưng sát thực tế, rõ đường hướng lâu dài, nhất quán hướng tới mục tiêu chung. Như vậy, chỉ nói về quan điểm định hướng thôi đã đáng để coi là vận hội mới.

- Nhưng như thế thì phải dự liệu khả năng, xác định trở lực có thể xuất hiện để định kế hoạch thực hiện chiến lược một cách hiệu quả. Khó khăn có thể là gì, thưa ông?

- Bối cảnh nền kinh tế nói chung đang ở trong giai đoạn đầy khó khăn. Xung đột an ninh, bất ổn chính trị ở nhiều nơi trên thế giới; dịch bệnh, thiên tai, thay đổi giá nhiên liệu, tỷ giá và đặc biệt là khó khăn kinh tế của các nước là thị trường gửi khách chính của du lịch Việt Nam; môi trường cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch ngày càng gay gắt... Đó là những thách thức đáng kể. Bên cạnh đó là khó khăn kinh tế trong nước, chỉ số lạm phát vẫn cao, thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều biến động, tình hình dịch bệnh, thiên tai ở nhiều nơi... Hơn nữa, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng ở các khu, điểm du lịch và hạ tầng giao thông nhiều nơi còn yếu kém, đội ngũ nhân lực còn thiếu tính chuyên nghiệp, sản phẩm còn đơn điệu. Những điều đó hạn chế khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Cũng cần phải tính đến một thực tế là hệ thống luật pháp, chính sách về du lịch ở ta vẫn còn hạn chế, chồng chéo, chưa đồng bộ, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch bộc lộ bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ và yêu cầu quản lý ngành mũi nhọn.

Mô hình quản lý chưa đầy đủ?

- Ông vừa nói đến sự hạn chế trong bộ máy tổ chức quản lý. Sự thực thì sự hạn chế đó cụ thể thế nào, tại sao và có thể khắc phục hay không?

- Chủ trương hình thành Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, phù hợp với xu thế cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn, chúng tôi thấy rằng Tổng cục Du lịch hiện nay là một tổ chức không đầy đủ, chưa phát huy hiệu quả vai trò là một cơ quan tham mưu quản lý ngành tương đối độc lập trong bộ đa ngành. Là một ngành kinh tế nhưng công tác kế hoạch, đầu tư nằm tại Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ, Tổng cục Du lịch rất khó chủ động đề xuất và tham gia ý kiến với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Là cơ quan quản lý chuyên ngành nhưng lại không có cơ quan thanh tra chuyên ngành giống như ở Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng chỉ được đảm nhiệm một phần, còn một phần do một số vụ, cục thuộc Bộ đảm nhiệm nên nguồn lực phân tán, hiệu quả hạn chế.

- Có thông tin về việc một số thành phố lớn muốn đề nghị cho phép thành lập lại sở du lịch nhằm giải quyết những bất cập trong công tác quản lý. Cách nghĩ ấy có đúng không, thưa ông? Nhìn ra quanh ta, Malaysia, Campuchia, Philippines đã thành lập Bộ Du lịch. Quan điểm của ông về vấn đề đó như thế nào?

- Tôi nghĩ, để quản lý hiệu quả một ngành kinh tế mũi nhọn thì tất yếu phải kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước, theo hướng hình thành bộ du lịch và sở du lịch nhằm phát huy vai trò chủ động và tính chuyên nghiệp trong quản lý. Trước những bất cập hiện nay, đúng là một số nơi có nguyện vọng thành lập sở du lịch để tham mưu, giúp chính quyền địa phương quản lý hoạt động du lịch một cách hiệu quả hơn. Có thể sắp tới Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Tổng cục Du lịch về dự kiến trình Chính phủ hình thành sở du lịch ở một số địa bàn du lịch trọng điểm.

Tính liên ngành và sự phối hợp

- Cứ cho là mô hình tổ chức quản lý hiện còn chưa phù hợp đi nữa nhưng với đội ngũ và điều kiện như hiện nay, chúng ta đã đủ sức quản lý hoạt động du lịch tốt, đâu dễ để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu khách, chất lượng dịch vụ kém... như đã thấy ở nhiều nơi.

- Đó là điều cần rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế là đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn ở các sở văn hóa, thể thao và du lịch hiện nay còn thiếu bởi sau khi sáp nhập ngành, một số chuyển công tác hoặc được bố trí sang lĩnh vực khác. Hơn nữa, khách quan thì một mình ngành du lịch không thể tạo ra môi trường du lịch tốt được.

- Ý ông là về tính liên ngành, sự phối hợp giữa ngành du lịch và địa phương?

- Đúng vậy. Mối liên kết ấy hiện chưa tương xứng với yêu cầu dù chất lượng phối hợp đã được cải thiện trong thời gian qua.

- Hệ lụy từ mối liên kết lỏng lẻo đó là gì, thưa ông?

- Khá nhiều đấy. Nói ngắn gọn thì điều đó có thể dẫn đến hậu quả làm phiền lòng du khách, làm xấu hình ảnh điểm đến, ảnh hưởng xấu tới việc triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

- Ông phân tích rõ hơn được không?

- Điển hình như tình trạng bắt khách phải trả giá gấp nhiều lần so với giá trị thực trên một số tàu chở khách tại Vịnh Hạ Long, taxi lừa đảo khách tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Rồi tự ý nâng giá dịch vụ hoặc không niêm yết giá để "chém" khách, mức chênh giữa giá chào mời và giá thanh toán tại một số trung tâm du lịch tại Nha Trang, Hạ Long, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Và cảnh quan, môi trường, điều kiện hạ tầng... Tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương để lập lại môi trường du lịch lành mạnh.

- Môi trường du lịch lành mạnh không chỉ là vấn đề giá cả dịch vụ, chất lượng lưu trú...

- Hẳn nhiên môi trường du lịch là sự tổng hợp của nhiều yếu tố và điều đó đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên. Tôi xin đưa ra ví dụ cụ thể về khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge và thôn Bản Đền, xã Bản Hồ ở Lào Cai, một trong số điểm đến đáng chú ý. Trong khi địa phương tốn công sức thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch, trong thực tế thì nhà đầu tư Đan Mạch đã đầu tư vào khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời, tổ chức du lịch có trách nhiệm với cộng đồng... thì việc xây dựng thủy điện nhỏ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan du lịch, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch tại đây. Điều đáng lo ngại rằng đó không chỉ là vấn đề của riêng Lào Cai!

- Vậy thì tính liên ngành, liên vùng cần được hiểu thế nào? Chắc chắn không phải một phép cộng đơn giản, thưa ông?


- Tất nhiên là không. Du lịch chỉ có thể phát triển được nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Trong thời gian qua, nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách và thủ tục liên quan đến khách du lịch đã được cải thiện. Tuy nhiên, để tạo ra môi trường thực sự thuận lợi thì cần tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục có tính liên ngành như thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, thủ tục cho các đoàn khách mang phương tiện vào Việt Nam...

- Ta đã nói rất nhiều về chất lượng điểm đến, yếu tố tiên quyết để giữ chân khách, hoặc giả là khiến khách quốc tế muốn quay lại Việt Nam. Vấn đề có vẻ phụ thuộc vào sự phối hợp của ngành du lịch và địa phương?

- Thời gian qua, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tiềm năng du lịch đều thành lập ban chỉ đạo phát triển du lịch, nhiều nơi tích cực tổ chức sự kiện du lịch, lễ hội du lịch văn hóa, thể thao du lịch... Tuy nhiên, một số địa phương dù rõ tiềm năng du lịch nhưng chưa nhận thức đúng vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nên chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho hoạt động này, chưa huy động được các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch

- Chất lượng điểm đến đáp ứng nhu cầu tại chỗ của khách, còn làm sao để khách biết đến mình phụ thuộc phần lớn vào công tác xúc tiến du lịch. Chất lượng phần việc quan trọng này hiện ở mức nào, thưa ông?

- So với trước thì đã có tiến bộ rõ rệt. Thực tế thì từ năm 2000 đến nay, du lịch Việt Nam đã và đang nổi lên, trở thành một điểm đến thú vị.

Tuy nhiên, việc này còn nhiều hạn chế, quan trọng là thiếu tính chuyên nghiệp, nguồn tài chính cho hoạt động xúc tiến, quảng bá đã hạn chế lại bị phân tán. Ngoài ra, việc lựa chọn thị trường mục tiêu chưa dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường, định vị điểm đến còn chưa hiệu quả. Ở đây, Tổng cục Du lịch tự thấy cần có biện pháp hữu hiệu hơn để kiểm soát hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, bảo đảm nó không mang tính tự phát.

- Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vài năm qua đã tăng về số lượng. Nhưng con số 6 triệu khách/năm 2011 có thuyết phục được ông không?

- Chưa. Thực sự là nó chưa xứng với tiềm năng của du lịch Việt Nam.

- Nói vậy tất phải có nhiều nguyên nhân, trong đó có hạn chế của công tác xúc tiến, quảng bá. Vấn đề đặt ra với ngành du lịch là gì?

- Ngành du lịch đã xác định tám nhiệm vụ trọng tâm về xúc tiến, quảng bá du lịch. Kể ra đây thì dài, nhưng có thể hiểu những nhiệm vụ ấy hướng đến việc thực hiện chiến lược một cách hiệu quả, rõ tính mục tiêu là nâng cao chất lượng nghiên cứu thị trường, xây dựng và quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng; tham gia thị trường thế giới một cách chủ động, chuyên nghiệp và xác định rõ thị trường mục tiêu dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng...

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vận hội mới cho du lịch Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.