(HNMCT) - Chương trình Ngữ văn trong nhà trường cùng với các hoạt động dạy - học - kiểm tra, đánh giá... đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Hànộimới Cuối tuần trích đăng ý kiến của một số giáo viên trực tiếp giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa và tác giả văn học trong nước xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Bùi Minh Đức (Trưởng khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội II):
Văn mẫu, tự bản chất, không có yếu tố tiêu cực
Cá nhân tôi cho rằng, dạy học văn cũng như dạy học ở các môn học khác đều cần có “mẫu”, tức là cần có những phương tiện tiêu biểu, chuẩn mực để minh họa cho lý thuyết, giúp người học hình dung một cách trực quan, cụ thể về những tri thức trừu tượng, từ đó, hiểu rõ nội dung học tập và thực hành luyện tập. Với môn ngữ văn, môn tiếng Việt trong nhà trường, “văn mẫu” ở đây là những bài/đoạn/ câu văn có tính chuẩn mực, điển hình về một/ một số phương diện nào đó của việc dạy học văn tiếng Việt hay làm văn. Ví dụ như một câu văn/đoạn/ bài văn tả cảnh sinh hoạt; câu/đoạn/ bài văn biểu cảm; câu văn có hình ảnh, đoạn văn diễn dịch, bài văn nghị luận về một tác phẩm thơ... Những “mẫu” này là các ví dụ sống động, công cụ đắc lực để giáo viên Ngữ văn dạy học sinh đọc hiểu, viết hay nói nghe. Vì thế, văn mẫu hay phương pháp dạy học văn theo mẫu, tự bản chất, không có yếu tố tiêu cực.
Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về chống dạy văn theo mẫu mới đây cần được hiểu là chống đạo văn, chép văn của người khác thành bài của mình để đi thi, chống tình trạng máy móc, áp đặt, khiên cưỡng trong việc cảm thụ văn và bộc lộ kết quả tiếp nhận văn học, từ đó dẫn đến hệ quả học sinh thiếu sáng tạo, không trung thực, dần dần hình thành thói quen lười suy nghĩ, giả dối trong học văn.
Một số cuốn sách giáo khoa mới đang nhận được nhiều ý kiến. Tôi cho rằng việc lựa chọn tác phẩm văn học vào nhà trường cần được thực hiện theo các nguyên tắc sau: Tác phẩm phải có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật; Đáp ứng mục tiêu của chương trình về phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cũng như yêu cầu về thể loại, kiến thức... của từng khối lớp; Phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý của học sinh ở từng cấp học; Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc đồng thời hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại; Chuẩn mực về ngôn ngữ và tiêu biểu về thể loại, đáp ứng yêu cầu tích hợp dạy tiếng Việt, dạy viết và dạy nói - nghe; Phù hợp với thời lượng, điều kiện dạy học của giáo viên, học sinh và nhà trường.
Bên cạnh đó, theo tôi, nên lựa chọn và dạy trọn vẹn tác phẩm, hạn chế việc dạy học trích đoạn, trừ trường hợp những tác phẩm văn học kinh điển, bắt buộc phải học nhưng có dung lượng lớn. Ngoài ra, cần kết hợp hài hòa những tác phẩm trước đây với những tác phẩm có tính thời sự, gần gũi với cuộc sống của học sinh và có tính vùng miền.
Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền:
Chọn ngữ liệu “đúng” và “hay” là điều kiện tiên quyết
Lựa chọn tác phẩm văn học cho học sinh trong nhà trường phổ thông, thường được gọi tắt là lựa chọn “ngữ liệu”, chủ yếu để biên soạn sách giáo khoa môn tiếng Việt và sách giáo khoa môn ngữ văn. Ngữ liệu “đúng” và “hay” là điều kiện tiên quyết để có thể dạy và học hiệu quả. Thế nào được gọi là “đúng” và “hay”? Chuyện nói vậy mà không đơn giản.
Để dễ hiểu, hãy so sánh ngữ liệu với vật liệu xây dựng. Công trình gì thì cần loại vật liệu xây dựng nào, tiêu chuẩn ra sao, vậy thôi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Ngay cả khi vật liệu tốt, công trình xây dựng đảm bảo chất lượng thì giá trị sử dụng vẫn có thể bằng không, như chuyện xây chợ mà dân không đến họp chợ ở đó. Ngữ liệu chỉ có thể được lựa chọn “đúng” và “hay” trên cơ sở chương trình khung “đúng” và “cần” để thực hiện mục tiêu “đúng” và “rõ” của môn học. Hội đủ những điều kiện này, việc chọn ngữ liệu - chọn tác phẩm văn học sẽ chẳng còn quá khó khăn và gây nhiều tranh cãi như ta đã và đang phải chứng kiến. Tiếc thay, thực tế mấy chục năm qua, ở ta, giáo dục chưa đạt được điều này. Có nhiều việc trong giáo dục của ta cần phải làm lại, vì học sinh và vì tương lai của dân tộc.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội):
Triệt tiêu văn mẫu bắt đầu từ nguyên nhân sinh ra văn mẫu
Bất kỳ ngành nghề nào, khi thầy hướng dẫn đều cần thị phạm để trò nắm bắt phương pháp, cách thức. Cách chuyền một đường bóng, cách nấu một món ăn, các bước giải một bài toán, cách cảm thụ, phân tích, triển khai hệ thống lập luận trong một bài văn... đều cần thầy làm mẫu. Còn văn mẫu, theo cách hiểu lâu nay là đoạn văn, bài văn thầy viết sẵn, trò chép, học thuộc và chép lần hai khi thi cử, kiểm tra. Loại thứ hai không nhằm học kiến thức hay kỹ năng, phương pháp, chỉ nhằm trúng tủ và điểm cao - đồng nghĩa với việc triệt tiêu sự sáng tạo, hứng thú của cả thầy và trò!
Trò không tự làm ra văn mẫu mà là thầy, nhưng nguyên nhân lại là do mặc định thi gì học nấy, do câu nghị luận văn học trong đề thi chắc chắn là một trong số các tác phẩm văn học đã dạy và học ở sách giáo khoa. Trò muốn điểm cao, thầy muốn thành tích cao (nhu cầu chính đáng) mà lười biếng, sẽ viết văn mẫu cho trò học thuộc.
Muốn triệt tiêu văn mẫu, hãy bắt đầu từ nguyên nhân sinh ra văn mẫu. Trích đoạn các tác phẩm trong sách giáo khoa chỉ nên là ngữ liệu dạy và học nhằm cung cấp kỹ năng đọc hiểu, cảm thụ, phân tích, diễn đạt... và hình thành những xúc cảm đạo đức, thẩm mỹ cho trò. Đó là những dạng đề như cho học sinh viết bài luận hoàn chỉnh về một hiện tượng xã hội hoặc một vấn đề của tư tưởng đạo lý; hoặc dạng đề sử dụng đoạn văn có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao (có thể là tác phẩm văn học trong hoặc ngoài sách giáo khoa, nhưng nằm ngoài đoạn trích đã dạy và học) làm ngữ liệu đọc hiểu. Các câu hỏi sẽ kiểm tra năng lực đọc hiểu, cảm thụ, phân tích, viết đoạn của học sinh - những kỹ năng đã được cung cấp và rèn luyện trong cả năm học.
Những dạng đề này sẽ tự khắc xóa bỏ tình trạng văn mẫu. Đương nhiên, dục tốc bất đạt, dù tích cực và đúng đắn thì việc này cũng nên có lộ trình và xuất phát đầu con đường hãy là sách giáo khoa và năng lực, ý thức người thầy. Thực tế, cũng không có học sinh nào hứng thú với văn mẫu cả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.