(HNM) - Biên giới, biển đảo luôn là mảng đề tài cuốn hút nhiều thế hệ văn nghệ sĩ dấn thân không chỉ với trách nhiệm, mà còn từ những rung cảm mạnh mẽ trước hiện thực sống động. Song, việc khơi tiếp mạch nguồn sáng tác, tạo nên những tác phẩm hấp dẫn công chúng, trở thành những “cột mốc” tinh thần vững chắc bảo vệ Tổ quốc, vẫn là thách thức lớn với người sáng tạo.
Mảng sáng tác ngày càng lớn mạnh
Trường ca “Ngang qua bình minh” (Lữ Mai) và “Lòng tôi biên giới” (Nguyễn Minh Cường) là hai trong số các sáng tác văn học mới nhất của những người trẻ viết về biên giới, biển đảo trong năm 2020. Nếu như nhà thơ Lữ Mai chọn khắc họa về chiến sĩ hải quân trên những con tàu làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc hôm nay, thì Trung tá - nhà thơ Nguyễn Minh Cường lại viết về thế hệ cha anh bất khuất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương đất nước. Hai tác giả đều chia sẻ, ý tưởng, tư liệu, hình ảnh đã được ấp ủ, liên tưởng từ rất lâu, nhưng điều thôi thúc họ sáng tác là những rung động trước sự quan tâm, chia sẻ, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ mới của các chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo khi dịch Covid-19 ập đến. Hai tác phẩm này có ngôn ngữ mới mẻ, trẻ trung, cách tiếp cận hiện đại.
Không chỉ phản ánh về lực lượng vũ trang, nghệ thuật nhiếp ảnh với sự vào cuộc của nhiều “tay máy” chuyên và không chuyên đã mở rộng câu chuyện về biên giới, biển đảo khá toàn diện và thời sự. Đó là những khoảnh khắc hai cha con người Mông ở tỉnh Hà Giang dựng cờ Tổ quốc đón Tết cổ truyền trong ảnh “Tự hào Việt Nam” (Dương Tiến Dũng); sự gắn bó máu thịt quân dân trong cuộc chiến với dịch Covid-19 ở bộ ảnh “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19” (Huỳnh Văn Truyền)… Cũng gây ấn tượng thị giác, nhưng các tác phẩm mỹ thuật còn gợi nhiều tầng ý nghĩa, tiêu biểu, như: “Tuần tra trên đảo” (Nguyễn Thanh Hải), “Đường biên” (Nguyễn Thái Thăng)… Âm nhạc cũng xuất hiện những tác phẩm mới với giai điệu sôi nổi, hiện đại, dễ cuốn hút giới trẻ, như: “Để mình nói cho Mị nghe” (Vũ Trung), “Biển, Tổ quốc tôi” (Nguyễn Xuân Bình)…
Ở lĩnh vực sân khấu, bên cạnh những vở kịch, tiểu phẩm của Nhà hát Tuổi trẻ: “Nụ cười chiến sĩ”, “Chuyện tình nơi đảo xa”…, chương trình nghệ thuật “Biển đảo là quê hương” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tạo dấu ấn khi xây dựng hình ảnh các chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển mạnh mẽ, linh hoạt, tinh nhuệ qua những màn trình diễn xiếc ngoạn mục, tươi vui. Trong điện ảnh, cùng các bộ phim “Một giải pháp chống xói lở bờ biển” (Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương), “Mùa xuân ở lại” (Đài Truyền hình Việt Nam), phim hoạt hình “Truyền thuyết đảo xa” (Công ty cổ phần Phim Giải Phóng) do Nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc đạo diễn với hình tượng rồng vàng hạ xuống đất Việt Nam, đã khẳng định chủ quyền biển, đảo nước ta từ xa xưa…
Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhận định, mảng sáng tác về biên giới, biển đảo đang ngày càng lớn mạnh, với nhiều sự dấn thân của các tác giả, nhất là những tác giả trẻ qua nhiều tác phẩm đã vươn tới câu chuyện của thời đại mới. Chị Tạ Minh Huyền (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết: “Sách, tranh, ảnh, ca khúc, kịch về đề tài biên giới, biển đảo được thể hiện khá lôi cuốn, dễ tiếp nhận. Nhiều tác phẩm được đăng tải trên mạng internet, rất thuận lợi để các con tôi theo dõi và tìm hiểu”.
Thêm những "cột mốc" tinh thần trong bảo vệ Tổ quốc
Tuy đã có những thế hệ sáng tác đạt thành tựu nhất định, song đề tài biên giới, biển đảo vẫn còn nhiều vấn đề, góc cạnh để văn nghệ sĩ khai thác. Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ, không chỉ khắc họa hình tượng chiến sĩ quân đội nhân dân hôm nay tinh thông quân sự, khoa học, công nghệ, bản lĩnh vững vàng, văn nghệ sĩ còn có thể khai thác vẻ đẹp thiên nhiên, nét độc đáo trong sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân biên giới, hải đảo trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tình hữu nghị, hợp tác, phát triển của các quốc gia qua hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa, thương mại…
Còn Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa cho rằng, để có được tác phẩm chân thực, sinh động, độc đáo, có giá trị về biên giới, biển đảo, người sáng tác phải liên tục đi, trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống, chiến đấu của các nhân vật mình phản ánh.
Theo họa sĩ Nguyễn Thanh Hải, thách thức lớn nhất với người sáng tác về đề tài biên giới, biển đảo là làm sao để tác phẩm hấp dẫn, thu hút được công chúng, nhất là giới trẻ. Văn nghệ sĩ cần “mềm” hóa những câu chuyện “mắt thấy, tai nghe”, áp dụng những yếu tố, xu hướng mà công chúng ngày nay yêu thích. Chẳng hạn, thay vì vẽ tranh thông thường, họa sĩ sử dụng hình thức nghệ thuật đương đại như sắp đặt, video art hoặc tích hợp công nghệ vào tác phẩm, đem đến trải nghiệm mới mẻ cho người xem…
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, các tác phẩm văn học, nghệ thuật về biên giới, biển đảo chính là những “cột mốc” tinh thần vững chắc, cổ vũ các lực lượng và người dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Để khơi tiếp nguồn cảm hứng sáng tác về đề tài này, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội cùng các địa phương tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ dấn thân, trải nghiệm thực tế; đồng thời, thường xuyên tổ chức những trại sáng tác, cuộc vận động sáng tác, trao giải thưởng và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài biên giới, biển đảo...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.