Văn nghệ

Văn học, nghệ thuật Thủ đô: Lấp khoảng trống đề tài hiện đại

An Nhi 26/05/2024 09:50

Tác phẩm phản ánh những thay đổi và phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội hay nhân tố mới, cách làm hay… dù thu hút công chúng nhưng lại đang thưa vắng trong văn học, nghệ thuật Thủ đô.

Bởi vậy, cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật chủ đề “Hà Nội - Đổi mới và phát triển” đang được hy vọng tạo bước chuyển mạnh mẽ cho mảng đề tài này.

mot-canh-trong-vo-ben-nuoc-thoi-gian-cua-nha-hat-tuoi-tre..jpg
Một cảnh trong vở “Bến nước thời gian” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Thưa vắng tác phẩm về Hà Nội hôm nay

Trên văn đàn những năm gần đây, có nhiều cây bút viết về Hà Nội gây chú ý. Như nhà văn Đỗ Phấn với các tản văn “Ngẫm ngợi phố phường”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”. Nhà văn Nguyễn Việt Hà với “Giọng của phố”, “Tuyệt không dấu vết” khiến người đọc nhung nhớ Hà Nội xưa và yêu Hà Nội hiện tại. Nhà văn Trần Chiến phản ánh đời sống nông thôn hiện nay trong tập truyện “Tỏ giăng, tỏ đèn”. Còn nhà văn Trần Gia Thái đi vào đề tài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tiểu thuyết “Sóng độc”…

Trong lĩnh vực sân khấu, Nhà hát Kịch Hà Nội có các vở mới “Vòng tròn bội bạc”, “Biển ở trong bờ”, đều về tinh thần của những chiến sĩ đấu tranh chống cái xấu trong thời bình. Nhà hát Tuổi trẻ có vở “Tiếng gọi mùa hè”, “Bến nước thời gian”, chùm hài kịch “Đời cười tuyển chọn 2”… phản ánh những câu chuyện trong đời sống đương đại, rất hút khán giả.

Trong âm nhạc, bên cạnh những ca khúc nhạc nhẹ được giới trẻ yêu thích như “Nồng nàn Hà Nội” (Nguyễn Đức Cường), “Hà Nội trà đá vỉa hè” (Đinh Mạnh Ninh), “Hà Nội mười hai mùa hoa” (Giáng Son)..., nhiều tác phẩm vẫn tiếp tục ra đời và dần phổ biến. Có thể kể đến như hợp xướng “Hà Nội đón xuân” (Thiếu Hoa), “Cuộc sống muôn màu” (Hoàng Đạt), “Phố ta” (Lê Tâm)…

Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn về đề tài Hà Nội hôm nay. Đặc biệt, ở nhiếp ảnh, nhiều công trình, thành tựu mới của Thủ đô được phản ánh chân thực, như “Hồ Gươm, Hồng Hà” (Kiều Thị Mai Phương), “Hợp tác thành công” (Trương Thế Cầu), “Vòng xuyến cầu Vĩnh Tuy” (Đào Kim Thanh), “Mô hình trồng nho xanh đem lại thu nhập cao ở xã Phương Đình” (Nguyễn Công Quân)…

Tuy nhiên, trong đời sống văn học, nghệ thuật, đề tài lịch sử, dân gian, truyền thống có số lượng áp đảo so với đề tài về Hà Nội đương đại. Nhìn vào Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội những năm gần đây có thể thấy, đa số được trao cho tác giả tác phẩm khai thác chất liệu lịch sử hay đời sống ở các địa phương khác… Trong danh sách xét hỗ trợ sáng tác kịch bản hằng năm của Hội Sân khấu Hà Nội, số kịch bản về đề tài hiện đại rất khiêm tốn. Âm nhạc chỉ thiên về ca khúc, còn thiếu vắng những tác phẩm lớn, đồ sộ về Hà Nội đổi mới…

Khuyến khích những sáng tạo mới

Hà Nội luôn là mảng đề tài gợi cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ. Song để có được tác phẩm hấp dẫn, xứng tầm không đơn giản. Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chia sẻ, mảng sáng tác về lịch sử, dân gian vẫn chiếm ưu thế trong đời sống văn học, nghệ thuật bởi tư liệu sẵn có; các tác giả có thể “mượn xưa, nói nay” nên vẫn đủ hấp dẫn công chúng. Còn đề tài Hà Nội đương đại, văn nghệ sĩ né tránh, một phần vì ít chất liệu thực tế, một phần vì ngại “va chạm”… Song, vẫn có nhiều người sáng tác đang trên đường chinh phục mảng đề tài này. Tiết lộ mình có tập thơ mới hoàn thiện viết về ngoại thành Hà Nội, nhà thơ Bùi Việt Mỹ cho rằng, nông thôn mới, ô nhiễm môi trường, sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ tới đời sống… là những vấn đề nhiều chất liệu để văn nghệ sĩ khai thác.

Gắn bó với sân khấu Thủ đô nhiều năm, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội bày tỏ, sân khấu hiện nay đang thiếu trầm trọng tác phẩm mang yếu tố hiện đại. Hằng năm, nhà hát “đỏ mắt” tìm kịch bản tốt để dàn dựng, nhiều lúc đành chọn khai thác đề tài lịch sử hoặc chuyển thể tác phẩm văn học nổi tiếng. Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đưa ra giải pháp là cần đào tạo cây bút trẻ, hỗ trợ để nâng tầm kịch bản của họ…

Nhiếp ảnh là lĩnh vực có lợi thế nhất trong hoạt động phản ánh về Hà Nội hiện nay, song cũng gặp thách thức. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Văn Minh cho hay, có nhiều đề tài trong đời sống để nghệ sĩ hướng ống kính vào, đặc biệt là những thành tựu về cơ sở hạ tầng, công trình văn hóa, xây dựng, giao thông… Tuy nhiên, để sáng tác được tác phẩm thành công, nghệ sĩ phải tìm góc thể hiện mới, bắt được khoảnh khắc độc đáo, gửi gắm nhiều câu chuyện lớn trong khuôn hình…

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội vừa phát động cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật với chủ đề “Hà Nội - Đổi mới và phát triển”. Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội thông tin, chủ đề này được chọn nhằm khắc phục tình trạng thiếu vắng tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đề tài hiện đại, đi sâu vào vấn đề “nóng” trong cuộc sống, nhất là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… từ đó, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bên cạnh đó, theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, những tác phẩm về Hà Nội đương đại gần đây chủ yếu về vấn đề cá biệt, riêng tư hay sinh hoạt đời thường, ít tác phẩm về “cái chung” của Hà Nội, càng ít tác phẩm thể hiện bằng những hình thức văn học, nghệ thuật đồ sộ, tầm vóc. Để lấp những khoảng trống đó, bên cạnh nỗ lực của người sáng tác, hội sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, làm giàu chất liệu sáng tác, đồng thời kết nối các cơ quan, đơn vị để xây dựng, công bố tác phẩm rộng rãi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học, nghệ thuật Thủ đô: Lấp khoảng trống đề tài hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.