(HNM) - “Rủ nhau chơi khắp Long thành/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…”. Với nguồn lực di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, chứa đựng “hồn cốt” Thăng Long, phố cổ Hà Nội từ xưa đến nay vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học, nghệ thuật. Song, cũng chính sức hấp dẫn, dễ lan tỏa, dễ tạo sự rung cảm, các sáng tác văn học, nghệ thuật về phố cổ đã bền bỉ góp phần bảo tồn di sản này trong đời sống.
Lưu giữ vẻ đẹp phố cổ
Phố cổ Hà Nội chứa trong mình một kho tàng giá trị vật thể với 121 di tích, trong đó có 83 di tích lịch sử, văn hóa; 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác. Các giá trị phi vật thể trong khu phố cũng khá phong phú, như sinh hoạt, ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống… Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, những phố hàng sầm uất, những mái ngói lô xô thâm trầm, nét ẩm thực tinh tế và những người dân phố lịch thiệp, giàu nghĩa khí… là nguồn cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Trụ sở Hội - “mái nhà chung” của văn nghệ sĩ Thủ đô, cũng nằm trong lòng phố cổ. Sự “gặp gỡ” thường xuyên tạo ấn tượng thúc đẩy những tác phẩm mới ra đời.
Trước đây có bài xẩm “Hà Nội ba sáu phố phường”; có tranh Phố Phái của danh họa Bùi Xuân Phái; có văn của Thạch Lam, Tô Hoài, Vũ Bằng; hay những bài hát “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn), “Em ơi, Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang)… Thì hôm nay, những vẻ đẹp độc đáo, đặc sắc của phố cổ vẫn khiến giới văn nghệ sĩ say sưa sáng tác. Có thể kể đến những trang viết của tác giả Trần Chiến, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý…; những ca khúc điểm tô nét duyên của phố cổ trong nhịp điệu hiện đại: “Xẩm Hà Nội” (Nguyễn Quang Long soạn), “Phố cổ” (Nguyễn Duy Hùng), “Nồng nàn Hà Nội” (Nguyễn Đức Cường)…
Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) từ khi thành lập năm 2016 đến nay, đều đặn duy trì hoạt động ký họa vào mỗi cuối tuần tại khắp các địa danh nổi tiếng của Hà Nội, nhiều nhất là khu phố cổ. Năm nào nhóm cũng thực hiện triển lãm các tác phẩm nổi bật. Ngoài ra, nhóm còn in sách lưu giữ nhiều nét đẹp, như: “Ấn tượng Hà Nội từ ký họa những công trình thời Pháp”, “Phố cổ Hà Nội ký họa và hồi ức”…
Hà Nội cũng có nhiều đơn vị nghệ thuật quanh khu vực phố cổ, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn thu hút người dân và du khách, như: Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội… Tại khu vực đền Hương Tượng, đền Bạch Mã, đền Quan Đế, đình Kim Ngân thường có hoạt động biểu diễn tuồng, hát văn, âm nhạc cổ truyền. Đặc biệt, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, nhóm Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn định kỳ, tạo điểm hẹn ấn tượng.
Giới kiến trúc sư cùng các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích ở phố cổ, như nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, đình Kim Ngân, đình Tú Thị, đền Quan Đế, đền Bạch Mã; đồng thời, tạo không gian nghệ thuật đương đại tại phố Phùng Hưng, Phúc Tân, Chương Dương…
Cùng thăng hoa trong đời sống
Thực tế, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc sư đều ít nhiều có sáng tác tôn vinh vẻ đẹp của Thủ đô nói chung và phố cổ nói riêng. Với họ, trước hết là niềm đam mê và tình yêu với Hà Nội, sau đó là ý thức trách nhiệm của một nghệ sĩ, một công dân Thủ đô. Trưởng nhóm Ký họa đô thị Hà Nội Trần Thị Thanh Thủy cho biết, việc thực hiện ký họa phố cổ còn là cách để lưu giữ những công trình gắn bó với dòng chảy văn hóa, lịch sử của Hà Nội đang dần bị mai một và thu hút các thành viên, nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu văn hóa, lịch sử, kiến trúc thành phố để thêm yêu và góp phần gìn giữ.
Theo nhà lý luận, phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc, các tác phẩm văn học, nghệ thuật vừa có vai trò lưu giữ, bảo tồn, vừa là kênh quảng bá, lan tỏa cho sự phát triển của đô thị Hà Nội với những di sản tồn tại theo dòng chảy lịch sử. Chính văn học, nghệ thuật góp phần “gạn đục khơi trong” những nét đẹp văn hóa của Thủ đô, của phố cổ; đồng thời giáo dục lối sống, đạo đức xã hội, cách hành xử văn hóa “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” của người Hà Nội.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ Hà Nội sao cho xứng với tiềm năng và tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô là điều mà giới văn nghệ sĩ luôn trăn trở. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai (Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng, trước nhất chính văn nghệ sĩ Thủ đô cần nỗ lực phát hiện vẻ đẹp, giá trị đích thực của phố cổ bằng góc nhìn của riêng mình, sáng tạo với tài năng và tâm huyết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật, hội nghề nghiệp cần tổ chức nhiều triển lãm tranh, ảnh về phố cổ Hà Nội; cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về Thủ đô và phố cổ; khôi phục, tổ chức các điểm diễn nghệ thuật trong lòng phố cổ; sưu tầm văn hóa dân gian về Hà Nội và phố cổ…
Về phía Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và quản lý kiến trúc khẳng định, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ Hà Nội cần sự chung tay của văn nghệ sĩ với những tác phẩm giá trị, hấp dẫn. Ban Quản lý sẽ tạo điều kiện để giới văn học, nghệ thuật tìm hiểu, sáng tác, công bố tác phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.