(HNM) - Nhà văn Thiên Sơn (sinh năm 1972), hiện công tác tại Tạp chí Điện ảnh Việt Nam. Kể từ tập thơ đầu tiên năm 1999 đến nay, anh đã có 7 tác phẩm (thơ, tiểu thuyết) khác được xuất bản. Thiên Sơn cũng là nhà văn trẻ nhất giành giải thưởng tại cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam (2006-2010).
Nhà văn Thiên Sơn. |
- “Người bên lề” được ghi chú xuất bản với bốn mốc thời gian: 2001, 2006, 2009, 2012. Mỗi lần tái bản như vậy, anh có bổ sung gì theo “những nhận thức và rung động mới” qua mỗi ngày trải nghiệm của mình không?
- Những truyện đầu tiên trong cuốn “Người bên lề” được viết từ năm 1993, khi tôi đang là sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 2001, lần đầu tôi tập hợp thành sách, nhưng chỉ một phần trong số đó được NXB QĐND ấn hành. Mãi đến năm 2006, cuốn sách mới được in đầy đủ như hiện nay. Bộ sách này là một trong những công trình quan trọng và ám ảnh tôi đã hai mươi năm nay. Về cơ bản, tôi đã thực hiện được những nét chính trong dự án này. Dự định hoàn thiện thêm bộ sách thì vẫn đang ở phía trước, mạch truyện và những ý tưởng liên quan đến chủ đề này tôi vẫn tiếp tục triển khai, nhưng có lẽ cuốn sách đã quá dày (gần 600 trang), nên tôi quyết định không bổ sung thêm mà sẽ in thành một tập riêng, mới trong thời gian thích hợp.
- Như tên gọi, “Người bên lề” cho người đọc “nếm trải” cảm xúc thật khó lòng tưởng tượng nổi về những trôi dạt mênh mông của kiếp người. Đây có phải là cảm xúc chi phối ngòi bút của anh trong nhiều tác phẩm khác?
- Đúng thế. Ngoài tập “Người bên lề”, thì trong tiểu thuyết “Hồn đất”, “Màu xanh ký ức”, “Bật rễ”, hay “Dòng sông chết”… của tôi đều ít nhiều mang theo nỗi ám ảnh và cảm thương về thân phận con người. Những nhân vật ấy thường đứng trước những ngặt nghèo của số phận, bị quên lãng, bị nguyền rủa, chìm vào bản năng hoang dại, không lối thoát. Tôi mong rằng, câu chuyện sẽ thúc bách người đọc bật ra những câu hỏi về lương tâm và trách nhiệm của mình trước đồng loại.
- Anh từng nói: Những mâu thuẫn lớn của xã hội chưa có mặt trong văn học, điện ảnh… Ở đó, vấn đề con người đương đại trước những “tai biến” của văn hóa chưa được văn học giải mã một cách có ý thức?
- Hằng ngày, hằng giờ chúng ta đọc sách ngoại, xem phim ngoại, tiếp cận thông tin toàn cầu và chạy theo những xu thế mới. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ khoảng mười năm thôi, những giá trị và quan niệm liên tục thay đổi, thậm chí đảo ngược. Đã có một lớp người mới sinh ra với tâm hồn và trí tuệ khác trước rất nhiều. Những vấn đề lớn như quan niệm về lịch sử, về truyền thống, nhân cách, lý tưởng, thẩm mỹ biến đổi không ngừng, thậm chí tạo thành những hố ngăn giữa các thế hệ, giằng xé hết sức quyết liệt. Rồi sự tha hóa, sự khủng hoảng nhân cách, căn bệnh vô cảm, lối sống thực dụng, sự đánh mất ký ức… Đấy, những vấn đề đó đang tràn ngập xung quanh chúng ta, cuốn xoáy như một cơn bão lốc. Văn học, điện ảnh và các ngành nghệ thuật khác có nhiệm vụ phải phản ánh và lý giải, giúp xã hội nhìn nhận và định hướng trước những vấn đề đó. Nhưng tôi không thấy nhiều tác phẩm đi đến tận cùng những mâu thuẫn lớn, phản ánh một cách có ý thức và sâu sắc sự khủng hoảng, sự sa đọa, sự lạc hướng của con người cũng như những niềm hy vọng cho tương lai.
- Là một nhà văn nhưng lại cũng là người viết phê bình điện ảnh. Theo anh, điện ảnh đương đại nước ta chưa hấp dẫn nhiều được công chúng cũng bởi vì còn chưa chạm đến được tầng sâu những mâu thuẫn lớn của xã hội?
- Điện ảnh trên toàn thế giới phân chia rõ thành hai hướng. Một là làm phim dưới áp lực thu hồi vốn, thường đi vào những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ, quảng cáo rầm rộ nhằm kéo công chúng đến rạp. Một hướng khác đi vào những khám phá sâu thẳm về con người và xã hội. Hướng làm phim thị trường thì Việt Nam hiện cũng đã bắt đầu bước vào, với những kinh nghiệm của Holywood và Hàn Quốc... Một dòng phim khác do Nhà nước đặt hàng, thì chủ yếu đi vào những đề tài chiến tranh cách mạng, hoặc một số vấn đề đương đại. Đáng tiếc là những phim này đến nay vẫn sa vào đơn giản, với lối tư duy một chiều. Hiện chúng ta đang lảng tránh những vấn đề không nhỏ như tham nhũng, tha hóa đạo đức, lạc hậu trong tư duy quản lý, sự lũng đoạn quyền lực… Đặc biệt tôi muốn nói đến cách nhìn nhận và khám phá con người ở cả khía cạnh bản năng, vô thức, với tất cả những bí ẩn và phức tạp của nó.
Chính vì những hạn chế này, mà cho đến nay điện ảnh của ta vẫn thiếu những nhân vật độc đáo, những hình tượng có thể gây sửng sốt.
- Được biết anh đang hoàn thiện kịch bản phim truyện nhựa về danh nhân Nguyễn Trãi. Tại sao lại là Nguyễn Trãi và tại sao lại là thời điểm này? Anh có dự định hợp tác với đạo diễn hoặc êkíp làm phim nào để hiện thực hóa dự án này không?
- Vâng. Bởi vì câu chuyện bi kịch của người anh hùng, nhà nhân nghĩa Nguyễn Trãi là một trong những nỗi đau lớn nhất của lịch sử dân tộc. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Nguyễn Trãi với những thế lực cực quyền, hủ bại, tham lam, phản bội đã không thành công, nhưng nó để lại những bài học lớn cho muôn đời. Hiện đạo diễn Đặng Nhật Minh rất hào hứng với đề tài này. Chị Nguyễn Nga, một việt kiều Pháp, một nhà kinh doanh văn hóa nghệ thuật có thiện ý sẽ đứng ra kết nối các nguồn lực tài chính để làm phim.
- Xin chân thành cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.