(HNM) - Gần đây, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng, rõ rệt nhất là về chất lượng phục vụ các tuyến xe buýt.
Khẩu hiệu được quảng bá ở nhiều nơi và có tác động tích cực là “Tham gia vận tải công cộng bằng xe buýt để góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí xã hội”.
Tôi là người hưởng ứng nhiệt tình chủ trương nêu trên, nên đã từ bỏ hoàn toàn xe máy và chỉ sử dụng duy nhất xe buýt để đi lại trong TP Hà Nội mấy năm gần đây. Tôi còn thấy lợi ích thiết thực khi sử dụng xe buýt đã góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, vì đi xe buýt an toàn hơn, ít chịu sự tác động của thời tiết nắng, mưa, hay có biến động bất thường của khí hậu. Hơn nữa, với những người có thu nhập hạn hẹp, chi phí đi xe buýt thấp hơn nhiều do được Nhà nước trợ giá. Tôi thấy ấn tượng khi mỗi ngày ngồi trên mấy tuyến xe buýt đều được nghe loa trên xe nhắc nhở nhiều lần: “Xin quý khách nhường ghế cho trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai… và cùng chúng tôi xây dựng văn hóa xe buýt”.
Tuy nhiên, khi tham gia liên tuyến, tôi thực sự buồn khi phải chứng kiến cảnh ở đầu bến hay điểm cuối của nhiều tuyến, người lái xe buýt phải bất đắc dĩ đi tiểu bậy. Số là, ở điểm cuối của nhiều tuyến, như tuyến số 31, tuyến số 28… không có nhà vệ sinh công cộng. Điểm cuối tuyến 28 là xóm 7 Đông Ngạc còn có vườn cây của dân gần đó, bác tài và hành khách có thể “mượn tạm”, còn điểm đầu tuyến 31 là phố Trần Đại Nghĩa, chỉ có một phía là các cửa hàng và phía đối diện là bức tường của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì khi “bí” chỉ còn cách “đi tiểu tiện bậy”. Khi nhìn thấy người lái xe buýt phải chạy ra bờ tường của Trường Đại học Bách khoa để “giải quyết vấn đề”, tôi chợt nghĩ không biết mấy nhân viên nữ phục vụ trên xe buýt trong trường hợp này thì họ xử lý thế nào?...
Một lần, thấy một người, có lẽ là người quản lý, sau khi nhắc nhân viên phục vụ trên xe làm vệ sinh xe khi dừng tại bến, nhưng sau đó chính anh ta lại phải chạy ra tiểu bậy ngay phía sau tấm bảng ghi nội dung về tuyến xe và lợi ích khi sử dụng phương tiện công cộng bằng xe buýt vì chẳng còn chỗ nào đi khi rơi vào thế bí!
Biết rằng, dù đang gặp khó khăn về kinh phí làm nhà vệ sinh công cộng tại đầu bến hoặc cuối mỗi tuyến, nhưng không thể vì thế mà để hiện tượng “mất văn hóa” này kéo dài như trên. Tôi cho rằng ngành giao thông vận tải Hà Nội nên khắc phục tình trạng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.