Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa - nguồn lực phát triển mới của Thủ đô

Nguyễn Thanh| 26/02/2023 06:25

(HNM) - Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” xác định phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; thực sự trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Đây cũng là sự kế thừa, tiếp nối "kim chỉ nam" mang tính soi đường từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa - Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 năm 2022 - sự kiện đã được thành phố Hà Nội tổ chức thành công. Ảnh Nhật Nam

Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa

Được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 17-3-2021, Chương trình số 06-CTr/TU đã trải qua hơn 1/3 chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức đến từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU vẫn mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Nổi bật là việc thành phố ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, được xác định là “kim chỉ nam” cho sự phát triển văn hóa Thủ đô trong thời gian tới và Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố” gỡ khó cho giáo dục, y tế, bảo tồn di tích.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, trong thời gian này, nhiều nghị quyết khác cũng được ban hành, nhằm cụ thể hóa sự quan tâm của Hà Nội về phát triển văn hóa. Cùng với đó, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố tiếp tục tạo không khí thi đua sôi nổi từ thành phố tới cơ sở.

Điều đáng nói, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022, thành phố đã có những bứt phá thành công, từ việc nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch năm đến sự bùng nổ của các sự kiện, hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa...

Hà Nội đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31; giành được 30% số huy chương tại các giải thi đấu thể thao trong khu vực. Ở lĩnh vực du lịch, Hà Nội đã đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. “Dù chưa đạt được mức như trước dịch Covid-19, nhưng đây là dấu hiệu hết sức khả quan cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2023”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết.

Phát triển theo hướng bền vững

Là một trong 30 thủ đô cổ nhất trên thế giới, thành phố duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có lịch sử ngàn năm tuổi, Hà Nội - suốt dặm dài lịch sử đã hội tụ, kết tinh, lan tỏa văn hóa dân tộc, góp phần xác lập vị trí đặc biệt của văn hóa Thủ đô trong các nguồn lực, tạo nên sức mạnh mềm cho đất nước.

Hà Nội đã xây dựng, triển khai chương trình hành động về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố, trong đó Chương trình số 06-CTr/TU bám sát nhóm giải pháp tập trung đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; triển khai có hiệu quả Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa..., nhằm xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô, để văn hóa thực sự phát huy được sức mạnh soi đường, dẫn hướng như tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa…

“Các sở, ngành thành phố cần chú trọng tham mưu Thành ủy về xây dựng các thiết chế văn hóa với tầm nhìn đến năm 2050; chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa theo hướng tự chủ; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân, các đơn vị sự nghiệp trong việc duy trì và quảng bá văn hóa; khuyến khích các mô hình hay trong lĩnh vực văn hóa, du lịch để tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong Chương trình số 06-CTr/TU”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa - nguồn lực phát triển mới của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.