(HNMO) - Sáng 20-12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức hội thảo “Bàn về văn hóa ứng xử gia đình, làng xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới Thủ đô”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nhấn mạnh, với nhận thức sâu sắc về phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, phát triển văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn gắn với đô thị hóa, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa là yêu cầu tất yếu bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Thủ đô, hội thảo tập trung trao đổi, chia sẻ một số vấn đề thiết thực. Cụ thể về: Tác động tích cực của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; thực trạng xây dựng nông thôn mới với vai trò thúc đẩy văn hóa ở Thủ đô; những giá trị của văn hóa ứng xử gia đình, làng xã trong xây dựng nông thôn mới…
Phân tích những tác động tích cực của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô Hà Nội, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định, xây dựng và phát triển văn hóa đồng thời gắn liền với xây dựng nhân cách con người từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là điều kiện nền tảng, bảo đảm xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững.
Trao đổi ý kiến về giá trị của văn hóa ứng xử gia đình, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân đề xuất lồng ghép Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình khi sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước góp phần thực hiện có chất lượng Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới của Thủ đô những năm tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng đề xuất, thành phố cần có những chính sách chuyên biệt, cụ thể theo từng nhóm đối tượng (trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi) về công tác gia đình; cần xác định rõ xây dựng văn hóa ứng xử gia đình là một nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác nhiệm kỳ và hằng năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; cần đưa nội dung tiêu chí đánh giá về văn hóa ứng xử trong gia đình là một tiêu chí trọng tâm trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới Thủ đô. Bà Bảy cũng đề nghị, ngành Văn hóa, thông tin thành phố cần có những nghiên cứu để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình cụ thể hơn so với tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa hiện nay để làm tài liệu tuyên truyền và để đánh giá kết quả thực hiện công tác gia đình.
Kết luận, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhấn mạnh hội thảo là bước khởi đầu cần thiết và có ý nghĩa sau Hội nghị văn hóa toàn quốc (11-2021); các ý kiến trao đổi đã cung cấp những kiến thức lý luận và thực tiễn, khẳng định tác động tích cực của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng, phát triển văn hóa gắn với việc gìn giữ, giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử trong gia đình, làng xã là “nguồn lực nội sinh” bảo đảm xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.