(HNM) - Nhà ở chung cư đang ngày càng phổ biến tại nhiều đô thị ở nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh những tiện ích là chủ yếu, nhà ở chung cư đã, đang bộc lộ một số bất cập, trong đó có những vấn đề về lối sống, văn hóa ứng xử.
LTS: Nhà ở chung cư đang ngày càng phổ biến tại nhiều đô thị ở nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh những tiện ích là chủ yếu, nhà ở chung cư đã, đang bộc lộ một số bất cập, trong đó có những vấn đề về lối sống, văn hóa ứng xử. Từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế và nhân rộng những mô hình tốt, xây dựng cho được nếp sống văn minh ở loại hình nhà ở này là yêu cầu cấp thiết, qua đó lan tỏa lối sống văn hóa, văn minh.
Không gian vui chơi dành cho trẻ em tại Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê (quận Hà Đông) bị hàng quán lấn chiếm. Ảnh: Minh Ngọc |
Bài đầu: Những bất cập từ thực tiễn
Các quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư nói chung, về xây dựng đời sống văn hóa tại chung cư nói riêng vẫn chưa theo kịp sự phát triển đa dạng của thực tiễn. Điều này khiến việc xây dựng đời sống văn hóa ở chung cư với những bất cập từ nhiều phía, vốn đã khó, lại càng thêm khó.
Cũ: Nhếch nhác; mới: Vẫn kém văn minh
Các chung cư đầu tiên ở Hà Nội được hình thành từ cách đây gần 60 năm. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.500 chung cư cũ và gần 800 chung mới đưa vào sử dụng từ những năm 2000. Trước xu thế đô thị hóa nhanh, dự kiến số lượng nhà chung cư tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Bởi thế, "văn hóa chung cư" là vấn đề không chỉ của hôm qua, mà còn là của hôm nay và ngày mai; là những câu chuyện mang sắc thái chung và riêng của các dạng chung cư: Các khu tập thể, nhà ở xã hội và chung cư cao cấp.
Các khu chung cư là nơi cư trú của cộng đồng dân cư đến từ nhiều vùng địa lý với những nét văn hóa, trình độ dân trí khác nhau. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống, cách thức ứng xử của cư dân là một phần nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột, những hình ảnh không đẹp ở mỗi tầng nhà. Trong đó, nổi cộm là việc lấn chiếm không gian chung; xả rác, chất thải không đúng nơi quy định; nuôi, thả rông vật nuôi; sử dụng thang máy không đúng mục đích…
Ở nhiều khu tập thể cao tầng (chung cư cũ) có tuổi đời 45-60 năm như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ hay Trung Tự, Giảng Võ, Nghĩa Tân... chỉ cần nhìn những hình ảnh chuồng cọp bủa vây, điện nước chằng chịt, những căn hộ xây lấn hết khoảng không giữa các tòa nhà, rồi bạt ngàn hàng quán bên cạnh tình trạng rác, nước thải dềnh ứ... đủ thấy hết sự nhếch nhác cả kiến trúc tới đời sống. Nhưng ở các chung cư cao tầng có vẻ hiện đại hơn và mới đưa vào sử dụng chưa lâu, thì nét văn minh cũng còn rất nhiều khiếm khuyết.
Đến cụm chung cư The Pride, Khu đô thị An Hưng, đường Nguyễn Thanh Bình, phường La Khê (quận Hà Đông) vào một ngày cuối tháng 5-2019, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận nhiều câu chuyện "dở khóc, dở cười" liên quan đến lối sống, cách ứng xử của cư dân, mà điển hình nhất là việc ném rác từ trên tầng cao xuống sân chung. Một bảo vệ tại tòa nhà CT1 kể: “Tại tòa nhà CT1 từng có cư dân ném vật nặng từ trên cao xuống làm vỡ kính ô tô đỗ bên dưới. Nếu vật đó rơi vào người, không biết hậu quả sẽ như thế nào (?)”.
Cũng theo nhân viên bảo vệ này, cả 4 tòa nhà chung cư của cụm The Pride đều có bảng nội quy đặt ở những vị trí dễ quan sát. Tuy nhiên, thực tế bảng nội quy này chỉ mang tính “hình thức” vì cư dân vẫn vi phạm những quy định do chính họ xây dựng.
Còn tại nhiều tòa chung cư thuộc Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê), chúng tôi thấy hành lang chi chít vết bẩn, nắp thùng rác, cửa nhà rác mở toang. Phía bên ngoài các tòa chung cư là những điểm bán hàng ăn uống lấn chiếm vỉa hè. Sân chơi dành cho trẻ em cũng bị hàng quán bủa vây. “Hằng ngày, tôi rất muốn đưa các cháu xuống sân chơi, nhưng chỗ vui chơi đã bị chiếm dụng hết”, bà Trần Thị Nghĩa, cư dân tòa nhà CT1, Khu đô thị Văn Khê bày tỏ.
Tương tự, Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cũng tồn tại nhiều thứ “chướng tai, gai mắt”. Chị Nguyễn Thu Huyền, cư dân tòa HH1A cho hay: “Vào giờ cao điểm, ai cũng vội, nhưng vẫn có những người mang theo vật dụng cồng kềnh vào thang máy hoặc chen lấn để được lên, xuống nhanh hơn. Thậm chí, thang máy thành nơi để người lớn dỗ trẻ ăn; họ cho trẻ bấm nút thang máy bừa bãi nên tầng nào thang máy cũng dừng lại. Nhắc nhở nhiều rồi nhưng họ mặc kệ”.
Tại chung cư Home City, đường Trung Kính, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đã có quy định nghiêm cấm sử dụng bình, bếp gas, nhưng vẫn có không ít cư dân cố tình vi phạm. “Để tránh bị phát hiện, có gia đình tìm cách ngụy trang bình gas để mang vào tòa nhà. Việc này không chỉ thể hiện lối sống tùy tiện, mà còn nguy hiểm cho cả tòa nhà, trong đó có gia đình họ”, chị Nguyễn Thanh Tú, cư dân chung cư Home City phản ánh.
Những năm vừa qua, lực lượng chức năng tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc xảy ra tại các khu chung cư có nguyên nhân từ sự thiếu ý thức của cư dân trong môi trường sinh hoạt chung. Chẳng hạn như vụ báo cháy, gây hoảng loạn tại tầng 17 chung cư An Bình City, phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) xảy ra đầu tháng 5-2019, do một cư dân đun nấu bằng bếp than tổ ong. Trước đó, vào tháng 3-2018, một căn hộ thuộc khu chung cư cao cấp ở quận Thanh Xuân bị cháy do chủ nhà đốt vàng mã…
Khó chồng thêm khó
Phân tích nguyên nhân của các bất cập này, ông Đặng Hùng, Phó Trưởng ban Quản trị cụm nhà chung cư The Pride cho rằng, muốn xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, trước hết quyền lợi của cư dân phải được bảo đảm. Tiếc rằng, ở nhiều chung cư, cư dân còn đang đấu tranh đòi các quyền, lợi ích chính đáng; còn tồn tại mâu thuẫn giữa ban quản trị với chủ đầu tư, giữa cư dân với chủ đầu tư, thậm chí là giữa cư dân với ban quản trị...
Không ít chung cư, người dân đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh khi sinh sống tại đây như chỗ để xe, diện tích căn hộ, chủ đầu tư không gửi phí bảo trì vào tài khoản riêng... Khi cư dân phải quan tâm đến nhiều vấn đề khác, tất nhiên họ chưa dành sự quan tâm thỏa đáng cho việc xây dựng đời sống văn hóa.
Tình trạng chen lấn, đưa xe máy, xe đạp điện vào thang máy vẫn xảy ra thường xuyên tại một số chung cư. |
Nhưng không thể đổ hết lỗi là do cơ sở vật chất. Theo anh Trần Văn Đạt, cư dân chung cư Golden Land Building 275 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), một bộ phận người dân ở chung cư vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ ở nhiều vùng miền, coi nhà chung như nhà riêng và ứng xử với không gian chung như không gian sở hữu riêng.
Đồng quan điểm, ông Quản Xuân Phú, Phó Chủ tịch UBND phường La Khê (quận Hà Đông) cho biết, các quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư hiện nay có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Đa số các quy định có nội dung “cấm”, “không được làm”, nhưng không kèm theo chế tài xử lý, khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn khi triển khai. Những quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm cơ sở hạ tầng, không gian sinh hoạt văn hóa cho cư dân cũng chưa đầy đủ, dẫn đến hệ quả là cư dân ở nhiều chung cư thiếu không gian sinh hoạt văn hóa…
Đối với việc xây dựng đời sống văn hóa ở chung cư, bà Vũ Minh Thu, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông cho hay: “Thành phố Hà Nội vẫn chưa có quy chế riêng, nên quận Hà Đông triển khai các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở chung cư tương tự như khu dân cư truyền thống. Và trên thực tế, các mô hình đang triển khai bộc lộ rõ những hạn chế do đặc điểm sống, sinh hoạt của cư dân chung cư có nhiều khác biệt so với người dân ở khu dân cư mặt đất”.
Rõ là, việc hình thành, nhân rộng nếp sống văn hóa tại các khu chung cư với không ít bất cập, hạn chế vẫn đang trong tình trạng cần “gỡ khó” và thực tế cho thấy những tồn tại này có thể khắc phục được.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.