(HNM) - Sự gia tăng nhanh chóng các loại hình năng lượng tái tạo, lại tập trung ở một số khu vực đã đặt ra bài toán nan giải cho công tác vận hành, quản lý lưới điện. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các đơn vị ngành Điện, từ truyền tải, điều độ đến việc phối hợp với các nhà máy, đến nay lưới điện luôn được vận hành ổn định.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo và việc Quy hoạch điện VIII được điều chỉnh với mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện cho thấy dư địa phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất dồi dào. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức mới như: Hạ tầng lưới điện và kỹ thuật điều độ hệ thống điện do phải tối ưu hóa nguồn điện mới vào hệ thống...
Thông tin về điều này, ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết, đơn vị đang quản lý vận hành lưới điện với quy mô hơn 5.300km đường dây; 21 trạm biến áp trải dài trên 9 tỉnh Nam miền Trung, Tây Nguyên, chủ yếu đi qua miền núi cao, địa hình phức tạp. Điều này khiến việc quản lý vận hành gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải do công ty quản lý là 4.664MW, chiếm 35% tổng công suất đặt của khu vực.
Về công tác điều độ hệ thống điện, ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết thêm, thời gian qua, để tránh phải cắt điện các nhà máy điện mặt trời, ngành Điện đã phải chuyển sang làm vào chiều tối, đêm, khi nguồn điện mặt trời đã giảm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thời gian làm việc và độ an toàn của người làm công tác truyền tải. Tính đến ngày 31-12-2021, tổng nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện Việt Nam là trên 20.000MW. Điều này khiến công tác điều độ phải thay đổi nhiều phương thức vận hành...
Để hỗ trợ nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành, những người thợ làm công tác truyền tải đã phải nỗ lực rất nhiều. Bởi các nhà máy điện mặt trời, điện gió thường nằm ở xa, nơi địa hình hành lang tuyến phức tạp, tiềm ẩn rất cao nguy cơ xảy tai nạn lao động, đặc biệt là làm việc trên cao. Việc triển khai đấu nối vào ban đêm còn phải tăng số nhân lực để bù lại hiệu suất, chất lượng công việc giảm vì không đủ ánh sáng để bố trí sơ đồ, lắp đặt dụng cụ, di chuyển trên cao… Tuy nhiên, với sự nỗ lực cho công tác vận hành, đến nay, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.
Nhận xét về điều này, ông Nguyễn Minh Hiếu, đại diện Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cho biết, trong suốt quá trình vận hành hệ thống lưới, đội ngũ truyền tải Công ty Truyền tải điện 3 luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với nhà máy để tránh ảnh hưởng đến quá trình vận hành. Việc bảo dưỡng sửa chữa được truyền tải luôn thông báo trước kế hoạch...
Còn theo ông Trần Văn Thực, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện, đại diện Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp và Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận thì trong quá trình nghiệm thu điểm đấu nối, nghiệm thu tuyến đường dây, và các trạm biến áp 220kV, 500kV, Công ty Truyền tải điện 3 và các Truyền tải Đắk Lắk, Truyền tải Ninh Thuận đã tạo điều kiện phối hợp và cử cán bộ kỹ thuật nghiệm thu các hạng mục của dự án, cũng như hỗ trợ, góp ý cho chủ đầu tư khắc phục các tồn tại trong quá trình thi công để chất lượng công trình, đáp ứng đúng kỹ thuật và an toàn theo quy định.
Có thể thấy, nỗ lực của ngành Điện đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3, trong năm 2021, nhờ sự phối hợp tốt giữa các nhà máy năng lượng tái tạo, Công ty Truyền tải điện 3 và các đơn vị điều độ, nên đã hạn chế được tình trạng quá tải. Thời gian tới, để lưới điện vận hành ổn định, cần tiếp tục nhận sự chia sẻ từ phía các nhà đầu tư, phối hợp nhịp nhàng trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa. Các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo cần tăng cường nghiên cứu, phổ biến các thông tư, hướng dẫn về công tác điều độ hệ thống điện để vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo thông suốt, bài bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.