Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn gây nhiều áp lực

Thúy - Hằng| 15/09/2014 07:09

(HNM) - Thông tin được dư luận quan tâm trong những ngày qua là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và kết quả của kỳ thi này được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).


Chị Quách Thúy Hà, phường Mộ Lao, quận Hà Đông:Bộ GD&ĐT nên tính đến quyền lợi của HS lần đầu tham dự kỳ thi THPT quốc gia



Tôi có con đang học lớp 12 và ngay từ năm 2011, cháu đã lựa chọn khối A (toán, lý, hóa) để thi ĐH. Nay với phương án này con tôi bất ngờ và tỏ ra mệt mỏi vì buộc phải ôn thêm môn văn và ngoại ngữ. Việc phải đầu tư công sức nhiều hơn nữa cho 2 môn văn và ngoại ngữ khiến cháu uể oải và chắc chắn không chỉ mình con tôi mới có cảm giác này. Tương tự, với các cháu lựa chọn khối B (toán, hóa, sinh) hay khối C (văn, sử, địa) thì việc thêm một số môn cơ bản quả là điều khiến cả phụ huynh và học sinh "đứng ngồi không yên". Tôi muốn kỳ thi phải được chuẩn bị kỹ càng cả về cơ sở vật chất, quy chế… và phụ huynh, học sinh phải được chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, có thời gian tìm hiểu kỹ về phương án thi để đi đến các lựa chọn cho con em họ. Với quyết định đổi mới kỳ thi ngay từ năm 2015, tôi rất mong Bộ GD&ĐT có chỉ đạo trong việc ra đề để các cháu đã tốt nghiệp THPT những năm trước và những học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp không bị thiệt thòi khi chỉ có thời gian ngắn để chuẩn bị.

Anh Nguyễn Duy Minh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai: Áp lực đè lên vai học sinh



Em tôi đang học THPT và có nguyện vọng thi vào Đại học Kiến trúc. Hiện em tôi đang tập trung học 3 môn toán, lý và năng khiếu. Kể từ hôm biết phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ với nhiều điểm mới, tôi thấy em tôi tỏ ra lo lắng chán nản. Rõ ràng, nếu theo phương án mới được công bố, thí sinh phải thi bắt buộc 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn nữa thì em tôi phải gấp rút ôn luyện thêm 3 môn nữa mới có thể hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhưng với thời gian chỉ còn chưa đầy 10 tháng nữa, tôi e rằng việc học tập và ôn luyện không thể cho kết quả như mong đợi. Theo tôi được biết, hiện có rất nhiều học sinh có định hướng thi cả hai khối A, B với mong muốn "không đỗ trường này thì đỗ trường kia", song theo phương án này thì học sinh giờ phải học và thi tới 6 môn: Toán, lý, hóa, sinh, văn và ngoại ngữ thì mới được công nhận tốt nghiệp và ứng tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy phải chăng phương án này lại mâu thuẫn với mục đích đổi mới của Bộ GD&ĐT là giảm áp lực cho thí sinh?

Bà Hoàng Thị Thắm, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng: Cách nào bảo đảm sự công bằng?



Tôi cũng là người từng làm công tác giáo dục nên nhận thấy sự quyết tâm cao của Bộ GD&ĐT khi quyết định dứt khoát cách đổi mới trong thi cử, song cũng còn những điều thấy lấn cấn, băn khoăn. Điều khiến tôi suy nghĩ và trăn trở nhiều nhất vẫn là việc làm thế nào để bảo đảm sự nghiêm túc và công bằng trong chấm thi và trông thi. Như mọi người đều biết, "bệnh" thành tích vẫn rất đậm nét ở hầu hết các địa phương, do vậy một kỳ thi kép với hai mục đích được tổ chức ở các cụm thi tôi e là khó bảo đảm được sự công bằng bởi tính chuyên nghiệp ở một số tỉnh, thành không cao. Nếu cán bộ coi thi không nghiêm túc cũng dễ dẫn đến sai lệch kết quả, từ đó khiến thí sinh thi tại những hội đồng thi làm nghiêm túc sẽ bị thiệt. Bên cạnh đó, việc chấm thi cũng dễ có sự nhân nhượng vì địa phương nào cũng cần thành tích. Vẫn biết không có điều gì là tuyệt đối, song đây là kỳ thi lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu thí sinh nên Bộ cần có những đợt thi tập dượt, thí điểm trước khi áp dụng đại trà để hạn chế tối thiểu những sai sót, tránh thiệt thòi cho học sinh.

Ông Nguyễn Văn Thơm, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất: Khó cho học sinh khu vực miền núi, hải đảo


Khi biết tin Bộ GD&ĐT chính thức quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015, rất nhiều phụ huynh và học sinh trong xã tôi mừng thì ít mà lo thì nhiều. Theo phương án, mỗi thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc gồm toán, văn, ngoại ngữ để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ thì thực sự là một trở ngại đối với học sinh khu vực nông thôn, nhất là các xã miền núi, hải đảo - nơi mà điều kiện học tập môn ngoại ngữ còn khó khăn. Nếu ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường có ngành học tương ứng với khối D trước đây, dẫn đến không công bằng giữa các đối tượng dự thi. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên để môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn, thay vào đó là môn sử hoặc hóa học, như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng cho thí sinh những địa bàn còn khó khăn và tạo sự công bằng đối với tất cả các thí sinh tham dự kỳ thi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn gây nhiều áp lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.