Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận động, tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác tại huyện Sóc Sơn

Nhóm phóng viên| 24/12/2019 16:04

(HNMO) - Liên quan đến việc một số người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn trong 2 ngày qua, cùng với sự tích cực vào cuộc của huyện Sóc Sơn, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 5714/UBND-ĐT, chỉ đạo công tác tiếp nhận, phân luồng rác để giải quyết sự cố này.

Không để tình trạng chặn xe vận chuyển rác tiếp diễn, kéo dài

Trong hai ngày 23 và 24-12, một số người dân tại hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn đã chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn nhằm kiến nghị một số nội dung liên quan đến tiến độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường 0-500m từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; việc giải quyết vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, di dân khỏi vùng ảnh hưởng môi trường phạm vi 500m của dự án giai đoạn 1 (từ năm 1999); kiến nghị về tiến độ thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức 400m2...

Để giải quyết sự việc, ngày 24-12-2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản số 5714/UBND-ĐT gửi các sở, ngành, địa phương về việc "chỉ đạo công tác tiếp nhận, phân luồng rác để giải quyết sự cố người dân chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn".

Theo đó, UBND thành phố chấp thuận phương án vận hành khu xử lý, phân luồng theo đề xuất của Sở Xây dựng về phương án phân luồng rác để giải quyết sự cố người dân chặn xe vận chuyển rác vào khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. "Cho phép điều hòa điều chỉnh chi phí phát sinh để xử lý khối lượng rác khi điều chỉnh phân luồng trong nguồn vốn sự nghiệp môi trường 2019 đã được giao Sở Xây dựng".

UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, thông báo và vận động nhân dân chủ động hạn chế khối lượng phát sinh; chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh trên địa bàn, che phủ, khử mùi, khử trùng các vị trí tập kết rác; thường xuyên cập nhật thông tin, sẵn sàng phương tiện, thiết bị để giải tỏa rác tồn ngay khi Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn tiếp nhận lại.

Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo hệ thống chính trị huyện Sóc Sơn, các xã liên quan phối hợp tổ chức vận động, tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn, không để tình trạng chặn xe vận chuyển rác tiếp diễn, kéo dài.

"UBND huyện Sóc Sơn có trách nhiệm ghi nhận ý kiến của người dân, chủ động xin ý kiến của các sở, ngành để xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các hộ dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, báo cáo UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền", công văn nêu rõ.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng yêu cầu UBND thị xã Sơn Tây, UBND huyện Ba Vì khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị thực hiện, phân luồng, tiếp nhận rác tạm thời về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đảm bảo thông suốt.

Các đơn vị như: Công an thành phố, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 5565/UBND-ĐT ngày 16-12-2019 đảm bảo vận hành hệ thống thu gom, xử lý rác và công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2020.

UBND huyện Sóc Sơn đề xuất một số nội dung liên quan đến chính sách đền bù

Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 24-12, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra (ngày 23-12), UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức đối thoại với người dân trong khu vực và kiến nghị thành phố các giải pháp xử lý.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học thông tin tới báo chí.

Cụ thể, huyện đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Thanh tra thành phố sớm có kết luận giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức 400m²; có chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, đất ở trùng lấn đất rừng.

Huyện cũng đề nghị thành phố cho áp dụng mức bồi thường hỗ trợ bằng 70% giá bồi thường đất ở được thành phố phê duyệt đối với dự án này (tương tự mức bồi thường, hỗ trợ áp dụng đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn giai đoạn 2).

Đối với việc bồi thường, hỗ trợ công trình xây dựng trên thửa đất ở, công trình được hình thành vượt quá hạn mức diện tích đất ở thì đề nghị cho phép bồi thường bằng 100% đơn giá theo quy định; quy hoạch bãi rác, quy trình đổ rác, khu tái định cư, chính sách đặc thù cho nhân dân di chuyển ra khỏi vùng ô nhiễm môi trường...

Ngay trong ngày 23-12, UBND huyện Sóc Sơn đã đưa ra cam kết phê duyệt phương án đền bù đất ở theo giá đất ở mới đối với nhân dân 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, ngày 19-12-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất, làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. Theo đó, mức điều chỉnh tăng tối đa 20% so với giai đoạn 2015-2019 đối với từng loại đất. 

Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đã lên kế hoạch phân luồng vận chuyển rác thải tạm thời.

"Nếu UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ về đất ở cho các hộ gia đình theo giá đất đang được áp dụng tại thời điểm hiện nay thì người dân sẽ rất thiệt thòi. Vì vậy, UBND huyện Sóc Sơn tạm thời chưa phê duyệt phương án bồi thường để bảo đảm quyền lợi tối đa cho nhân dân. Khi HĐND thành phố Hà Nội quyết định thông qua bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 (dự kiến áp dụng từ ngày 1-1-2020), UBND huyện Sóc Sơn sẽ áp dụng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đất ở cho nhân dân theo bảng giá đất mới của thành phố”, văn bản cam kết của huyện nêu.

Hiện tại, huyện Sóc Sơn đã và đang tiếp tục tổng hợp thông tin, tài liệu cũng như tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân 3 xã, đặc biệt là các hộ dân nằm trong khu vực GPMB về đơn giá công trình, tài sản trên đất, mức hỗ trợ đất vườn, ao liền kề với đất ở; giá đất tái định cư, vị trí thửa đất… để nghiên cứu, xem xét, tìm cách giải quyết.

Như vậy, với tinh thần lắng nghe mọi nguyện vọng, đề xuất chính đáng của người dân, chính quyền từ cơ sở đến thành phố rất quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân, đã và đang tập trung xử lý việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo hướng có lợi nhất cho người dân. Việc này đòi hỏi phải thực hiện đúng pháp luật, tuân thủ nhiều quy định, chính sách pháp luật khác nhau, nên người dân cần bình tĩnh, tin tưởng, đồng thuận phối hợp tốt với chính quyền trong việc thực hiện để vừa bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn giai đoạn 2 vừa bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân theo quy định của pháp luật.

Điều chỉnh phân luồng vận chuyển rác thải tạm thời

Theo kế hoạch điều chỉnh của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - Sở Xây dựng Hà Nội, rác thải trên địa bàn quận Thanh Xuân, huyện Hoài Đức được phân luồng chuyển về Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn của Hợp tác xã Thành Công (đặt tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì).

Lượng rác ở các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy cũng được chuyển về ô chôn lấp tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.

Lượng rác ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh được thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, lưu chứa tại các điểm trung chuyển, tập kết tạm thời của địa phương. Trường hợp hết chỗ lưu chứa tạm thời sẽ được vận chuyển về Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.

Trong thời gian thực hiện kế hoạch phân luồng tạm thời, để bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đề nghị các đơn vị lập kế hoạch lưu chứa vận chuyển, tăng cường công tác phun hóa chất khử mùi trên địa bàn.

Các đơn vị tiếp nhận, xử lý thêm phần khối lượng rác từ các quận, huyện lập kế hoạch bảo đảm an toàn khâu xử lý, cử người phân luồng từ xa bảo đảm an toàn giao thông, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh bãi; tăng cường công tác phun khử mùi.

Các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường bảo đảm các biện pháp lưu chứa tại địa bàn, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; bảo đảm vệ sinh phương tiện trong quá trình vận chuyển, không để phát tán mùi, chảy nước rác...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vận động, tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác tại huyện Sóc Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.