Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vận đen” của ông “Tô”

Hà Nhật| 11/11/2010 09:15

(HNMO) - Quyết định tới Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ 1 ngày trước trận Olympic Việt Nam- Olympic Turkmenistan của ông Calisto đã gây ra nhiều nghi ngại. Có người còn nhìn dưới góc độ mê tín và tin rằng một người đang ở giai đoạn “đen đủi”như ông Calisto sẽ khó mang lại niềm vui chiến thắng cho Olympic Việt Nam trong trận đấu thứ 2 của mình tại ASIAD 16.

Ông Calisto đã được đăng ký với chức danh HLV trưởng trong trận gặp Olympic Turkmenistan. Ảnh Quốc Khánh


1. Quả thực, giai đoạn này, may mắn không song hành với ông Calisto. Đội tuyển quốc gia do đích thân ông huấn luyện không đạt thành tích và phong độ, tinh thần như ý. 2 trận thua trước Ấn Độ và Kuwait đã báo hiệu những khó khăn đang chờ đón phía trước. Và đến VFF Sơn Hà Cup, cách vận hành lối chơi, những nét mới cũng như khát khao của đội tuyển Việt Nam chưa thuyết phục được những người khó tính. Ngay cả đội tuyển quốc gia lúc này cũng đối mặt với vô số khó khăn, từ việc các trụ cột thay nhau chấn thương đến việc 3 tuyển thủ Mạnh Dũng, Xuân Thành, Văn Trương xin về tạo nên bầu không khí âu lo trong đội. Trong khi đó, đội tuyển Olympic Việt Nam do trợ lý Phan Thanh Hùng trực tiếp huấn luyện, tất nhiên theo giáo án và lối chơi do ông Calisto định ra, lại liên tục gặt hái thành công. Vô địch cúp bóng đá 1000 năm Thăng Long, thắng Bahrain tại trận đầu ở ASIAD 16- những thành tích ấy khiến người ta nghĩ rằng ông Phan Thanh Hùng thuộc diện mát tay, nhẹ vía (trước đó, chính ông Hùng cũng đăng quang chức vô địch quốc gia với Hà Nội T&t đấy thôi).

2. Quyết định đến và không đến Quảng Châu của ông Calisto quả thực khó lường. Sau lễ bốc thăm bóng đá nam ASIAD 16, ông đã thông báo sẽ cùng đội tuyển Olympic tới Quảng Châu dự giải. Lúc đó ông đã nói đến việc bóng đá Việt Nam, dù là bóng dá trẻ, cũng phải hướng các mục tiêu ở châu lục thay vì chỉ xưng hùng xưng bá tại khu vực Đông Nam Á. Đó là điều hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam cũng như người hâm mộ. Nhưng rồi đội tuyển quốc gia lại bết bát tại VFF Sơn Hà Cup khiến ông thay đổi quyết định. Ông muốn ở lại Việt Nam để hâm nóng tinh thần các tuyển thủ quốc gia và khăc phục vô số điểm yếu đã phơi bày ở giải trên. Điều ấy cũng là hợp lý. Nhưng rồi sau trận mở màn thành công của Olympic Việt Nam tại ASIAD 16 người ta lại thấy trên chuyến bay tới Quảng Châu cùng đoàn thể thao Việt Nam. Trong khí đó, đội tuyển quốc gia vẫn còn vô số việc phải làm. Đôi lúc các trợ lý không thể làm thay ông. Có khi chỉ sự có mặt của ông trên sân tập cũng khiến chất lượng buổi tập tốt hơn nhiều so với khi ông vắng mặt.

3. Trước khi ông Calisto tới Quảng Châu, lãnh đội đã giải thích rằng ông sẽ dự khán để đánh giá chất lượng đội ngũ cầu thủ mà ông định đôn lên đội tuyển quốc gia. Trong hoàn cảnh ấy, cũng có gì không phải bàn. Nhưng thực tế là trong suốt trận đấu vào chiều 10-11, ông không dự khán mà trực tiếp xuống sân lâm trận cùng học trò, vốn đã quen với sự chỉ đạo của ông Phan Thanh Hùng trong một thời gian dài. Sau trận thua Olympic Turkmenistan, sau khi nhận trách nhiệm về mình, ông cũng thừa nhận là không nắm rõ hết tình trạng của học trò. Mà đã không nắm rõ thì chỉ đạo chính xác thế nào được? Không kể, tâm lý của các cầu thủ Olympic cũng bị ảnh hưởng khi chỉ trong 3 ngày chịu sự chỉ đạo trên sân của 2 ông thầy khác nhau dù về chức danh thì 1 người là HLV trưởng, 1 người làm trợ lý. Phong cách chỉ đạo, cách đọc tình huống không thể giống nhau giữa 2 ông thầy ít nhiều cũng mang đến sự xáo trộn tâm lý không tốt của các tuyển thủ. Tất nhiên các tuyển thủ Olympic Việt Nam cũng không phải quá xuất sắc để có thể đánh đâu thắng đó. Nhưng nếu là HLV Phan Thanh Hùng chỉ đạo trực tiếp, chưa chắc Olympic Việt Nam đã thua đậm đến vậy. Và có lẽ vận đen đang đeo bám ông Calisto đã không thay đổi khi ông cầm quân trực tiếp trong trận đấu với Olympic Turkmenistan.

4. Ông Calisto đã quyết định ở lại, Quảng Châu, ít nhất đến sau trận đấu với Olympic Iran vào cuối tuần này. Cũng dễ hiểu cho quyết định này của ông Calisto. Ông về ngay thì cũng dở và ông phải ở lại để chứng tỏ tài cầm quân trong trận đấu khó khăn nhất tại vòng bảng ASIAD 16 của đội tuyển Olympic Việt Nam.Từ trước trận đấu với Olympic Turkmenistan, ông đã coi trận đấu với Olympic Iran là thước đo sự phát triển của Olypic Việt Nam. Thế nên ông phải ở lại Quảng Châu. Nhưng trong thời gian ông vắng mặt, đội tuyển quốc gia sẽ khắc phục được những điểm yếu về tinh thần, lối chơi đến đâu? Liệu các trợ lý có giúp ông vợi bớt nỗi lo hay lại khiến ông đứng núi này mà lo ngay ngáy cho núi nọ? Gì thì gì, AFF Cup 2010 đang cận kề. Thời gian có chờ ai đâu?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Vận đen” của ông “Tô”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.