Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề “nóng”: Xử lý ô nhiễm nguồn nước

Thế Dũng| 14/05/2011 06:25

(HNM) - Sáng 13-5, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội (KHCN) tổ chức hội thảo khoa học về "Giải pháp tổng thể bảo đảm môi trường sống của rùa Hồ Gươm" để chuẩn bị cho việc đưa rùa trở lại hồ sau khi lành bệnh. Tại đây, các chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất rằng, việc cải tạo môi trường Hồ Gươm là việc làm cấp thiết.

Hàng trăm năm Hồ Gươm không được nạo vét khiến “lẵng hoa của Hà Nội” đang ô nhiễm đến mức báo động. Theo nhiều chuyên gia, việc mất cân bằng sinh thái, trong đó ô nhiễm môi trường bùn - nước, động vật thủy sinh là tác nhân chính khiến rùa Hồ Gươm lâm bệnh. Sau khi chữa bệnh cho rùa cho kết quả tốt, vấn đề được quan tâm nhất là xử lý ô nhiễm nước, nạo hút bùn là việc làm cấp thiết nhưng phải bảo đảm, không gây xáo động ảnh hưởng đến hệ sinh thái nơi đây.

PGS-TS Trần Đức Hạ (ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng, thành phố nên cho triển khai đồng bộ việc nạo vét thủ công bùn cặn ven bờ kết hợp nạo vét cơ giới bùn đáy hồ để có thể tăng thêm chiều sâu của hồ từ 0,3 đến 0,6m song song với việc diệt rùa tai đỏ và thả một số loại cá vào hồ. Bùn đáy hồ được nạo vét bằng các thiết bị hút bùn sinh thái để không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước cũng như thành phần sinh vật trong hồ.

Vào tháng 11-2009, công nghệ hút bùn ngầm của Đức đã chứng tỏ tính hiệu quả khi được thử nghiệm tại Hồ Gươm, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hạn chế của công nghệ này là công suất nhỏ nên quá trình nạo vét dài, không xử lý được dị vật như bê tông, cọc... ở đáy hồ.

GS Mai Đình Yên (Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học) khuyến nghị, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thiết lập lại hệ sinh thái của Hồ Gươm. "Đó là hệ sinh thái hồ của vùng Đồng bằng Bắc bộ. Theo đó, sau khi hoàn thành cải tạo chất lượng nước, đáy hồ, sẽ phải tính đến việc thả cá, thực vật thủy sinh, cấm thả động vật ngoại lai và tăng khả năng lưu thông của nước hồ".

Tuy nhiên, việc làm sạch nước hồ không đơn giản bởi mức lưu thông nước hồ hiện hoàn toàn phụ thuộc vào cống tràn phía phố Hàng Khay, trong khi lượng nước ở đáy hồ hầu như không thể tiêu thoát dẫn đến ô nhiễm ngày càng nặng. Do đó, phải áp dụng giải pháp bổ cập nước song song với rút nước đáy hồ như ngành thủy sản vẫn làm lâu nay. Theo TS Bùi Quang Tề, công việc chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm gần như đã hoàn thành nên việc sớm đưa rùa trở lại hồ là cần thiết để tránh hiện tượng "tự thuần hóa", không tốt cho đặc tính sinh trưởng của động vật hoang dã. GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh (Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam) cho rằng, việc sớm có cơ quan chuyên trách mọi mặt về Hồ Gươm, thay vì có nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý nơi đây, gây ra chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm là cần thiết.

Thời gian qua, Hà Nội mong muốn tìm được giải pháp khả thi nhất, có tính bền vững nhất để khôi phục lại hệ sinh thái Hồ Gươm, trong đó lấy cá thể rùa quý là điểm nhấn. Do đó, theo TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội, tất cả các phương án do các nhà khoa học, doanh nghiệp đưa ra sẽ được nghiêm túc xem xét để sớm triển khai được trên thực tế... Được biết, Sở KHCN Hà Nội đã tính đến phương án đưa rùa ra một khu vực rộng khoảng 500m2 dưới chân tháp Rùa, gần giống với môi trường sống tự nhiên của rùa trong khi chờ cải tạo toàn diện hệ sinh thái Hồ Gươm.

Không nên gắn chíp theo dõi rùa Hồ Gươm

Chuyên gia thủy sản Nguyễn Viết Vĩnh: Với một diện tích không lớn như Hồ Gươm thì việc gắn chíp theo dõi là không cần thiết vì công nghệ hiện đại nhất là định vị vệ tinh (GPS) cũng có sai số hàng chục mét và vệ tinh chỉ định vị được khi rùa nổi trên mặt nước... Phương án dùng thiết bị theo dõi bằng sóng radio cũng không khả thi vì phải dùng angten sau đó gắn lên mai rùa hoặc dùng dây đeo với rùa Hồ Gươm là không khả thi.

Ông Tim MacCormack - Chương trình Bảo tồn rùa châu Á: Nếu cần đưa rùa lên kiểm tra thì cách lai dắt dựa trên quan sát tăm rùa sau đó dùng lưới quây thực hiện ngày 3-4 vừa qua là thích hợp và không tốn kém.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề “nóng”: Xử lý ô nhiễm nguồn nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.