(HNM) - Mặc dù nhiều nhà mạng đã cố gắng ngăn chặn bằng cách thu hồi sim có thông tin thuê bao không đúng quy định (sim rác), song tình trạng tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo có tính chất quấy rầy vẫn liên tục tái diễn, gây bức xúc cho người sử dụng mạng di động. Điều này cho thấy còn có kẽ hở trong quản lý hoạt động đăng ký thông tin thuê bao và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết “vấn nạn” sim rác.
Mua bán dễ dãi
Theo tìm hiểu thị trường sim rác trên môi trường mạng và tại một số cửa hàng bám sim của phóng viên Báo Hànộimới, việc mua sim rác rất dễ dàng. Tại nhóm Facebook “Hội sim rác giá thợ”, các giao dịch mua bán sim nhanh gọn, người mua chỉ cần nhắn thông tin, địa chỉ thì người bán sẵn sàng chuyển hàng đến với giá rẻ. Cụ thể, ngày 7-5, một tài khoản đăng bán 1.000 sim Vietnammobile với giá 7.500 đồng/sim. Tài khoản M.Q bán sim mạng Viettel đã kích hoạt sẵn với giá 65.000 đồng/sim, mạng Vinaphone với giá 40.000 đồng/sim… Ngoài ra, tài khoản này còn có dịch vụ cho thuê sim của 5 nhà mạng, giá từ 1.000 đến 3.000 đồng/sim và dịch vụ nhắn tin số lượng lớn siêu rẻ.
Việc tìm mua sim tại những cửa hàng điện thoại di động trên các tuyến phố cũng khá dễ dàng. Thông thường, nhà mạng yêu cầu người mua phải đến các địa điểm đăng ký của nhà cung cấp để mua sim, kích hoạt theo tên người dùng. Tuy nhiên, để thuận tiện cho khách hàng, các cửa hàng điện thoại phục vụ “thượng đế” ngay tại chỗ. Tại một cửa hàng bán điện thoại ở đường Phú Kiều (quận Bắc Từ Liêm), khi khách hàng hỏi mua sim, người bán hàng cho khách chọn số thoải mái, giá dao động từ 50.000 đến 150.000 đồng/sim, tùy đầu số và nhà cung cấp dịch vụ. Anh Lê Minh Hưng, ở phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Vào bất cứ cửa hàng điện thoại nào, tôi cũng có thể mua được sim. Các đầu số 056…, 087…, 032 thì nhiều vô kể với các mức giá rẻ và không cần điều kiện chính chủ hay phải có chứng minh nhân dân như trước”.
Tình trạng quản lý việc mua bán sim quá dễ dãi đã khiến nhiều người dân trở thành nạn nhân. Chị Nguyễn Thu Trang ở phường Cống Vị (quận Ba Đình) cho biết, thời gian qua chị luôn bị các số máy lạ mời chào mua bất động sản, bảo hiểm nhân thọ, mời du lịch, đầu tư chứng khoán hoặc học tiếng Anh trực tuyến... “Mỗi ngày tôi nhận rất nhiều tin nhắn và cuộc gọi từ sim rác, thậm chí, có cuộc gọi vào lúc 21h là giờ nghỉ ngơi. Tôi thấy rất phiền toái và khó chịu”, chị Nguyễn Thu Trang nói.
Tăng cường công tác quản lý
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà mạng đã xử lý giảm 90% sim có thông tin thuê bao không đúng quy định so với năm 2020. Từ tháng 7-2020 đến tháng 2-2022, các nhà mạng đã chặn 268.575 thuê bao phát tán cuộc gọi nghi vấn là cuộc gọi rác, phát hiện và ngăn chặn trên 87 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, trong năm 2021 vẫn còn 1,1 triệu sim có thông tin thuê bao không đúng quy định. Cụ thể, Vietnamobile có hơn 11.000 thuê bao; Viettel có gần 10.000 thuê bao; MobiFone hơn 10.000 thuê bao; Vinaphone có 1.500 thuê bao. Ngoài ra, một số đại lý đã sử dụng thông tin thuê bao khác để kích hoạt sẵn, như MobiFone có hơn 4.000 giấy sở hữu 87.000 sim kích hoạt đăng ký tại 5 tỉnh; Viettel có hơn 3.000 giấy tờ để kích hoạt cho khoảng 58.000 sim; Vietnamobile có 31 giấy tờ kích hoạt trước cho 20.000 sim; Đông Dương Telecom (mạng ảo) sử dụng 39 giấy tờ để đăng ký cho 1.300 sim; Vinaphone có 10 giấy tờ dùng để kích hoạt 791 sim...
Trước thực tế này, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi Cục An toàn thông tin để điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác và đề nghị nhà mạng xử lý theo quy định của pháp luật đối với các số điện thoại di động sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Công an thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin không đúng quy định.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Thiềm Công Nguyên, để ngăn chặn sim rác, doanh nghiệp đã yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời thực hiện kiểm tra chéo trong nội bộ. MobiFone cũng đã yêu cầu không kích hoạt sim mới vào giờ muộn nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng bán sim rác...
Dù cơ quan quản lý có nhiều cố gắng, thực tế là việc mua bán sim vẫn đang diễn ra tràn lan và trở thành vấn đề nhức nhối. Điều này cho thấy những bất cập trong công tác quản lý và đòi hỏi những biện pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Bên cạnh việc xử lý những hệ lụy cũ phải ngăn chặn phát sinh vi phạm mới. Để làm được điều này, trước hết, các doanh nghiệp viễn thông phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý thông tin thuê bao di động, kiểm soát hiệu quả việc đăng ký thuê bao mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.