Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn lệch pha

Hương Ly| 19/05/2012 06:58

(HNM) - Chính sách tài khóa và tiền tệ (CSTK-TT) là hai công cụ quan trọng trong điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô, nhất là trong thời điểm nền kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.


Nước ta đã trải qua một giai đoạn dài có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 1996-2000 đạt mức bình quân 7%/năm và 7,25%/năm giai đoạn 2001-2010. Để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã có những đầu tư lớn nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Theo các chuyên gia, việc tăng mạnh chi tiêu công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là chiến lược tài chính hợp lý và có cơ sở khoa học để thực hiện. Bởi nếu tăng chi tiêu có "liều lượng", phù hợp với mức độ và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, nếu chi tiêu công kém hiệu quả, sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài tăng nhanh.


Cần phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa tiền tệ để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy kinh tế.  

Tại hội thảo "Phối hợp CSTK-TT trong điều hành kinh tế vĩ mô" do Viện Chính sách chiến lược tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, lo ngại bất ổn kinh tế xảy ra, có thời điểm chúng ta đã cùng lúc thắt chặt CSTK-TT. Mặc dù điều này sẽ giúp an toàn tài chính quốc gia được giữ vững, song một hệ quả không mong muốn là lãi suất ngân hàng có thời điểm ở mức cao đã khiến chi phí đầu vào của DN trở nên đắt đỏ, dẫn đến sản xuất đình trệ và tác động không nhỏ đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

TS Đào Minh Tú, Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, NHNN thường tập trung vào mục tiêu trung và dài hạn, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng thực tế vẫn phải gồng mình đáp ứng những yêu cầu cấp bách ngắn hạn. Trong quá trình thực thi chính sách, có những thời điểm CSTK-TT được điều hành khá độc lập, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, dẫn đến sự xung đột, triệt tiêu hoặc làm giảm hiệu quả của một trong hai chính sách hoặc cả hai chính sách. Cụ thể, khi NHNN giảm lãi suất để hỗ trợ DN, nhưng giá xăng, giá điện lại tăng ngay trước hoặc sau thời điểm giảm lãi suất. Có thời điểm lãi suất trái phiếu chính phủ vận hành trái chiều với các mức lãi suất điều hành của NHNN làm ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu điều hành CSTT…

Cần "thắt chặt" hợp lý, "nới lỏng" thận trọng

Với mục tiêu phối hợp chặt chẽ công tác điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế phát triển, cuối tháng 2-2012, Bộ Tài chính và NHNN đã ký quy chế phối hợp thông tin nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan, nhất là trong lĩnh vực điều hành CSTK-TT. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc phối hợp nhịp nhàng hai chính sách điều hành kinh tế then chốt nói trên không chỉ đơn giản là sự bắt tay giữa hai cơ quan mà phải được thiết kế trên tổng thể của nền kinh tế một cách nhịp nhàng dựa trên quá trình nghiên cứu trước khi ban hành và áp dụng. Thực tế, dù đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, nhưng chính sách đưa ra nhiều khi vẫn không đồng nhất về thời gian, thậm chí còn trái chiều. Điều này đã khiến chính sách không phát huy hiệu quả.

TS Hà Huy Tuấn khuyến nghị, Việt Nam cần sớm điều chỉnh mô hình và mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp với tiềm năng của nền kinh tế. Chúng ta có thể chấp nhận một giai đoạn ngắn tăng trưởng GDP không đạt mức cao mà chỉ đạt 6-6,5% trong giai đoạn 2011-2015 sẽ phù hợp với thực lực của nền kinh tế. Điều này sẽ góp phần làm giảm sức ép tăng trưởng, giúp việc điều hành CSTK-TT sát hơn với những diễn biến của nền kinh tế. Trước mắt, trong năm 2012, CSTT và CSTK cần phối hợp để góp phần thực hiện cùng một lúc hai mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức một con số, không để tăng trưởng kinh tế dưới 6%, vừa ngăn chặn kịp thời tình trạng DN phá sản đang ngày càng tăng. Để thực hiện, CSTK-TT cần có sự phối hợp chặt chẽ, để vừa duy trì mức độ "thắt chặt" hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát, vừa có bước "nới lỏng" thận trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn lệch pha

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.