(HNM) - Bên cạnh chế độ đãi ngộ, việc ứng dụng thành tựu khoa học, y học vào phục vụ công tác huấn luyện và thi đấu của các vận động viên Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã được quan tâm nhiều hơn trước. Tuy nhiên, nỗ lực trên là chưa đủ so với yêu cầu...
Ứng dụng các thành tựu khoa học vào tập luyện sẽ giúp vận động viên trẻ của Hà Nội nâng cao thành tích. Ảnh: Anh Tuấn |
Rõ tầm quan trọng
Hiện nay, ở cấp độ đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, việc ứng dụng thành tựu khoa học, y học thể thao vào công tác huấn luyện, thi đấu đã bắt đầu được chú trọng. Như ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia có hai vận động viên thể hình thấp bé so với lứa tuổi nhưng lại có tiềm năng phát triển. Cả hai đã được huấn luyện viên trưởng Bùi Xuân Hà đưa tới Viện Dinh dưỡng quốc gia để khám chuyên sâu. Kết quả kiểm tra cho thấy, cả hai đều thiếu kẽm và vitamin D trầm trọng. Sau quá trình sử dụng thuốc kết hợp tập luyện, tay vợt 15 tuổi Hà Hữu Khang - vốn chỉ cao 1m45, đã tăng thêm 8cm và được dự báo sẽ có chiều cao từ 1m60 đến 1m63 vào năm 18 tuổi. Một vận động viên khác là Nguyễn Đăng Hiệp, hiện đã 17 tuổi, cao 1m58, được dự báo sẽ cao 1m65 nếu thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ Viện Dinh dưỡng quốc gia. Ngoài ra, các vận động viên bóng bàn còn được sử dụng áo thi đấu có chất liệu tốt, đạt tiêu chuẩn quốc tế là giúp mồ hôi thoát nhanh, không để lại mùi. Vấn đề này tưởng nhỏ nhưng trong thực tế thi đấu thì đây lại là yếu tố không kém phần quan trọng, nhất là khi thực tế đã ghi nhận việc sử dụng trang phục có chất liệu vải không tốt sẽ khiến vận động viên nhanh xuống sức.
Gần đây, tại Olympic 2016 và SEA Games 29-2017, Đoàn thể thao Việt Nam được một nhãn hàng cho mượn một số máy vật lý trị liệu, giúp vận động viên phục hồi nhanh hơn… Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn chia sẻ, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thường xuyên sử dụng máy vật lý trị liệu trong thời gian dự Olympic 2016 nên sức khỏe phục hồi nhanh, góp phần giúp anh giành thành tích tốt là 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc lịch sử.
Nhưng để các vận động viên được sử dụng những sản phẩm tiện ích, có lợi cho sức khỏe, các đội tuyển rất cần có sự giúp đỡ của doanh nghiệp, các bệnh viện thể thao hay Viện Dinh dưỡng quốc gia, bởi ngân sách thực tế luôn "quá tải" cho những khoản chi nói trên. Thực tế, như chia sẻ của nhiều huấn luyện viên, khi mức chi phí cho chăm sóc dinh dưỡng hằng ngày của vận động viên vẫn đang là bài toán khó thì những vấn đề liên quan đến đào tạo, huấn luyện sẽ còn là câu chuyện nan giải.
Nâng cao hiệu quả xã hội hóa
Nâng cao khả năng ứng dụng thành tựu y học, khoa học phục vụ thể thao là điều mà ngành Thể thao Hà Nội cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới. Hiện nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội đã có hệ thống nhà tập cùng nguồn kinh phí đầu tư hằng năm thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Thế nhưng, việc áp dụng các thành tựu y học, khoa học để nâng cao thể hình, sức mạnh, sức bền, giúp vận động viên phục hồi sau tập luyện, thi đấu cũng như trong tuyển chọn vận động viên vẫn còn nhiều hạn chế. Tòa nhà dành riêng cho y học và khoa học thể thao tại Trung tâm với số ít máy để phục hồi cho vận động viên quả là quá nhỏ bé so với nhu cầu của khoảng gần 3.000 vận động viên. Các tòa nhà tập luyện không có khu phục hồi với phòng xông hơi, máy vật lý trị liệu nên cũng hạn chế đáng kể thành tích của lực lượng này…
Đã được tham quan tại nhiều địa điểm tập huấn hàng đầu trên thế giới, các huấn luyện viên của Hà Nội lại càng thấu hiểu những băn khoăn kể trên. Thế nên, nhiều huấn luyện viên đã chọn giải pháp đưa vận động viên đi tập huấn nước ngoài để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất trước mỗi giải đấu quan trọng. Trước đây, cơ quan quản lý thể thao Hà Nội từng lên kế hoạch xây dựng khu phục hồi sau tập luyện với hệ thống phòng lạnh nhưng không thành công vì thiếu kinh phí.
“Kế hoạch phát triển thể dục thể thao Thủ đô đến năm 2020” đã được UBND TP Hà Nội ban hành từ năm 2014, trong đó có một mục riêng về việc tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ phục vụ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao, chữa trị và hồi phục chức năng cho vận động viên. Chính vì vậy, sau những thành công ban đầu về xây dựng cơ sở đào tạo, nâng cao chế độ khen thưởng cho huấn luyện viên và vận động viên, ngành Thể thao Hà Nội đang tập trung cho việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và y học vào thể thao. Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng chia sẻ: “Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề này, đó là điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mong ước từ lâu của nhiều thế hệ huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội”.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì ngành Thể thao Hà Nội rất khó tạo bước tiến cần có trong lĩnh vực này. Điều cần thiết hiện nay là phải có cách làm đột phá, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bằng cách chủ động hợp tác với các bệnh viện y học thể thao, viện nghiên cứu dinh dưỡng và sức khỏe, các nhãn hàng uy tín về dinh dưỡng và trang phục thể thao...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.