(HNM) - Nhiều người hỏi làm phóng viên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn có sướng không? Câu trả lời đương nhiên là “không”, nhưng ăm ắp tình cảm thì “có”. Cứ mỗi lần gặp những nông dân khắc khổ, lao động quần quật cả năm mà cuộc sống vẫn muôn bề thiếu thốn, khiến chúng tôi cũng buồn, trăn trở theo... Song, thực tế ấy càng thôi thúc chúng tôi tìm tòi nhiều hơn những mô hình nông nghiệp thành công để giới thiệu đến bà con nông dân, để lan tỏa động lực trong các phong trào thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh ở vùng ngoại thành.
Rồi những chuyến lặn lội đến những thôn, bản, làng, xã... cũng ghim lại trong chúng tôi bao kỷ niệm đẹp. Khi thì lên Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cheo leo đỉnh núi hướng ra sông Đà, nơi một tiếng gà gáy ba tỉnh nghe thấy; khi lại đi giữa tán cây, nghe chuyện người trồng rừng; khi đến vùng đất bãi mướt mát màu xanh cây trái... Nhiều vùng nông thôn của Hà Tây trước kia, nay là Hà Nội đã “thay da đổi thịt”; nhiều cán bộ cơ sở đã về hưu nhưng vẫn đọc Báo Hànộimới và vẫn nhớ về chúng tôi. Thỉnh thoảng được gặp lại các cô, các chú, được họ ân cần hỏi thăm và yêu quý như ngày nào, phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp lại trào dâng cảm xúc, động viên nhau: Bọn mình dành cả thanh xuân để đi hết mấy trăm xã, mấy nghìn thôn, nơi nào cũng để lại những dấu ấn khó phai nhòa...
Làm gì cũng cần thời gian, cần độ ngấm, cần sự trải nghiệm đủ lâu, cần sự gắn bó chân thành để thắt chặt tình cảm giữa nhà báo với cơ sở. Đa số phóng viên của Ban Nông nghiệp - Nông thôn sau khi thâm nhập thực tế, có những bài viết biểu dương cái đẹp, phê phán cái xấu..., thì hơn tất cả là tình yêu tha thiết, gắn bó với những con người, những miền quê... Bởi vậy, chúng tôi vẫn thường nói, nếu được chọn lại, vẫn muốn được là phóng viên viết về nông nghiệp, theo dõi hoạt động của khu vực ngoại thành, bởi đó không chỉ là nghề nghiệp mà còn cho chúng tôi trải nghiệm, biết trăn trở và được tích lũy thêm nhiều tri thức...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.