Băn khoăn tìm “lối thoát”
Đến giờ đã có hai đề án quy hoạch chống ngập được nghiên cứu triển khai ở TP. Thứ nhất là đề án chống ngập do mưa ở khu vực nội thành do ngành GTVT lập với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, xây dựng từ năm 2001. Thứ hai là đề án chống ngập do triều và lũ do Bộ NN&PTNT lập, năm 2008 với nguồn kinh phí được phê duyệt 12 nghìn tỷ đồng.
Với đề án năm 2001, hàng loạt dự án chống ngập cho các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… đã và đang được triển khai. Ác thay, ngay khi mới khởi động, nhiều dự án đã lạc hậu so với những diễn biến của thời tiết. Bởi khi lập đề án, các chuyên gia chỉ tính toán đỉnh triều cao nhất là 1,29m đến hơn 1,3m; trong khi năm 2008 đỉnh triều đã lên tới 1,55m. Còn các cơn mưa xuất hiện nhiều hơn và lượng mưa lớn hơn rất nhiều. Mới đây, các nhà khoa học đã tính đến các "giải pháp mềm" như xây hồ điều tiết, hạn chế tình trạng bê tông hóa… để hỗ trợ cho đề án.
Nước sông Sài Gòn dâng cao, gây sạt lở nhà dân tại bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Ảnh: Phương Thái |
Đề án quy hoạch do Bộ NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2008) được đánh giá khả dĩ hơn và đang nghiên cứu triển khai. Trước đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động xây dựng nhiều tuyến đê bao ở một số vùng ven kênh rạch; thế nhưng, nhiều công trình đang bị tàn phá bởi triều cường ngày càng dữ dội, nhất là khi triều cường dâng cao cùng lúc với các trận mưa lớn. Điển hình là đợt mưa lớn kết hợp với đỉnh triều cao 1,58m, chỉ trong 3 ngày (26 đến 29-11-2010), triều cường đã làm 41 đoạn bờ bao bị vỡ với tổng chiều dài hơn 166,5m; gây ngập úng trên 484,5ha đất nông nghiệp, hoa màu, thủy sản, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 1.382 hộ dân thuộc 7 quận, huyện trên địa bàn. Thiệt hại ước tính vài tỷ đồng.
Trong đợt đi kiểm tra thực địa đoạn đê bao bị vỡ đầu tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập và các cơ quan hữu trách của TP khẩn trương nghiên cứu xây dựng một chương trình chống ngập căn cơ, bền vững hơn.
Vẫn còn nhiều bất ổn
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn TP, những khu có cao độ địa hình trên 2m hiện chỉ chiếm khoảng 45% diện tích. Còn lại là những khu vực thấp, bằng phẳng và chịu ảnh hưởng nặng của thủy triều. TP có 2.008km sông, kênh, rạch với khoảng 1.050km đê bao, bờ bao. Trong đó còn khoảng 200km bờ bao chưa kiên cố, thường gặp sự cố khi triều cường. Riêng khu vực nội thành có hơn 100km kênh rạch làm trục thoát nước chính với hơn 400 cửa xả, độ cao đáy cống khoảng 1,3m nên khó tiêu thoát nước mưa. Những lúc xuất hiện triều cường hàng trăm tuyến đường liền kề bị ngập. Ngập lụt làm cho thành phố mỗi năm thiệt hại khoảng 1.500 đến 2.000 tỷ đồng.
TP đang chuẩn bị xây dựng hệ thống cống kiểm soát triều cùng với tuyến đê bao khép kín. Theo đó, sẽ có 12 cống kiểm soát triều tại cửa các sông, kênh, rạch cùng tuyến đê bao dài khoảng 172km từ Củ Chi đến giáp ranh tỉnh Long An. Khu vực trung tâm TP sẽ có 7 cống kiểm soát triều tại các cửa sông, kênh, rạch, gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sông Kinh, kênh Tẻ (Tân Thuận), sông Phú Xuân, sông Vàm Thuật, rạch Tra, rạch Bến Nghé, cùng với đoạn đê bao dài 44km bờ hữu sông Sài Gòn. Chưa biết hệ thống này sẽ phát huy hiệu quả như thế nào, nhưng nhiều nhà khoa học tỏ ra rất băn khoăn về việc làm đê bao gần như toàn bộ TP. TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Môi trường thuộc ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước kia, khi sông, kênh, rạch còn chưa bị lấn chiếm, bồi lắng và các vùng trũng còn trống thì nước triều dâng lên và đổ dồn vào đấy, rất ít khi gây hại cho cuộc sống người dân. Nay cùng với sự gia tăng của các khu vực đã bị đô thị hóa và tình trạng sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, bị bồi lắng, triều cường ngày càng dữ dội hơn, phá vỡ bờ bao. Nếu bây giờ xây dựng thêm đê và bờ bao, bao trọn thành phố, rất có thể triều cường sẽ hung dữ hơn. Khi sông, kênh, rạch bị quây lại sẽ trở thành "ao tù, nước đọng" gây ô nhiễm môi trường; TP sẽ phải tốn thêm tiền nạo vét, khơi dòng như đã xảy ra ở khu vực đập ngăn triều Bình Triệu, Bình Lợi, Cầu Bông… Ông nhấn mạnh: Chúng ta nên thích ứng với tự nhiên, quản lý và phát triển đô thị trên cơ sở tôn trọng tự nhiên!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.