Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn bản pháp luật lại phạm luật?

Hồ Bách| 24/11/2012 06:17

(HNM) - Mặc dù Bộ Công an đã có giải đáp chính thức về việc xử phạt các trường hợp không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định của Nghị định 71/2012/NĐ-CP, trong đó, khẳng định chỉ xử phạt chủ hiện tại của phương tiện nếu có căn cứ chứng minh được thời gian mua bán quá 30 ngày mà không sang tên đổi chủ. Còn xe mượn, xe của gia đình thì người dân không cần phải băn khoăn. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn rơi vào tình trạng càng tìm hiểu càng "nhiễu" thông tin.

Thực tế, quy định xử phạt các trường hợp không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông từng có từ lâu, nhưng trước đây, lực lượng chức năng buông lỏng quản lý, mức phạt cũng không đáng kể nên ít người để ý. Với quy định mới, mức phạt cao gấp nhiều lần, cộng với những cuộc ra quân rầm rộ của CSGT nên nhiều người muốn nghiên cứu kỹ. Đáng tiếc là Nghị định 71 không đưa ra câu trả lời rõ ràng. Cụ thể, trong văn bản này chỉ quy định đơn giản: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Mức phạt trên còn tăng nặng với vi phạm tại khu vực nội thành các thành phố trực thuộc TƯ (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...).

Áp theo nội dung sơ lược trên, có thể dẫn đến những cách hiểu không giống nhau, mà cả CSGT cũng từng đưa ra những phát ngôn khác nhau. Ngay trong kỳ họp thứ tư của Quốc hội, có đại biểu dân cử từng hỏi Bộ trưởng Bộ GTVT thế nào là vi phạm, thế nào là hợp pháp, trong hoàn cảnh nào được châm chước, hoàn cảnh nào bị tăng nặng để giải đáp cho cử tri. Những thắc mắc còn được đặt ra là, thế nào là xe mượn hợp pháp hay xe mượn không hợp pháp? Tiêu chí nào để người thi hành công vụ khẳng định? Khi người tham gia giao thông chưa làm hợp đồng mua bán xe nhưng cứ "cãi" là xe mượn thì phân định thế nào? Xe lưu thông dưới dạng ủy quyền có công chứng có bị xử lý không?... Thế nhưng, đây đâu phải là nội dung quản lý của Bộ GTVT. Quay sang Bộ Công an cũng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, không giải đáp được những vấn đề thời sự này làm sao triển khai thuận lợi trong thực tế? Chính vì vậy đã gây nên dư luận hoang mang, bất bình.

Chiểu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một chính sách mà làm nảy sinh nhiều hướng suy luận là phạm luật. Đây là bài học cho các cơ quan tham mưu soạn thảo văn bản, phải có bước chuẩn bị kỹ càng, để mỗi chế tài đưa ra bảo đảm được thực thi nghiêm túc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn bản pháp luật lại phạm luật?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.