(HNM) - Vai trò của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những sự kiện thời sự trong đời sống (khác với việc phản ánh của văn học là qua hình tượng nghệ thuật được hư cấu), mà còn ở việc định hướng thông tin tới công chúng
Định hướng thông tin là nhu cầu khách quan
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo: “Làm báo là làm chính trị. Chính trị phải đúng”.
Báo chí là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, khơi nguồn, tạo ra dư luận xã hội và do đó, có vai trò không thể thay thế trong định hướng dư luận xã hội. Đó là sự tập trung nỗ lực nhận thức xã hội vào việc nhận thức một vấn đề hoặc thực hiện một hoạt động xã hội nào đó.
Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI.Ảnh: Bá Hoạt |
Báo chí định hướng thông tin là định hướng dư luận xã hội bằng thông tin và định hướng việc tiếp nhận thông tin cho công chúng. Đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Hằng ngày, công chúng tiếp nhận khối lượng thông tin tràn ngập từ nhiều nguồn và có cả thông tin không được kiểm chứng. Mặt khác cũng có những bộ phận công chúng “đói thông tin”, cần được cung cấp thông tin một cách có định hướng.
Định hướng thông tin là nhu cầu khách quan từ các cấp lãnh đạo, quản lý xã hội và cả từ phía công chúng.
Đối với các cấp lãnh đạo, quản lý xã hội, định hướng thông tin là quá trình cung cấp thông tin, giải thích, bình luận, hướng dẫn nhận thức của công chúng, thống nhất nhận thức nhằm đi đến thống nhất hành động chung của cộng đồng, vì mục tiêu chung. Việc báo chí thông tin và phản ánh dư luận xã hội vừa qua phản ứng với dự án ngăn khúc Sông Hồng để làm thủy điện và ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt… đã có ý nghĩa định hướng kịp thời dư luận xã hội.
Đối với công chúng, mỗi khi có thông tin không rõ ràng hoặc ý kiến trái chiều trong dư luận, công chúng càng cần được biết định hướng theo quan điểm của Đảng, để thống nhất nhận thức làm cơ sở cho thống nhất ý chí và hành động.
Đừng để dư luận mất phương hướng
Định hướng chính trị là định hướng cơ bản nhất của báo chí cách mạng nước ta. Những thông tin trong đời sống chính trị thường được cung cấp nhanh nhất và mang tính định hướng rõ rệt nhất. Định hướng chính trị tốt sẽ củng cố và tạo dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Trước mỗi sự kiện chính trị lớn của đất nước, nhân dân - công chúng, đều đặc biệt quan tâm những bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những phát ngôn, hay văn bản trả lời của cơ quan đại diện Nhà nước hay tổ chức, doanh nghiệp (như phát ngôn của Bộ Ngoại giao về những vấn đề đối ngoại, vấn đề quốc tế, phát ngôn của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương về những vấn đề do Chính phủ hay bộ, ngành, địa phương quản lý chịu trách nhiệm trước nhân dân).
Báo chí định hướng bằng phản ánh, cung cấp thông tin và bằng bình luận. Cả hai mặt này đều cần được coi trọng như nhau.
Về vai trò phản ánh, cung cấp thông tin, báo chí định hướng bằng việc thông tin kịp thời, chính xác, trung thực, đầy đủ về các sự kiện, các vấn đề thời sự diễn ra hằng giờ, hằng ngày mà công chúng quan tâm, cần biết. Trong thực tiễn hoạt động báo chí, có những sự kiện phức tạp, khó thống nhất về nhận thức xã hội, nhiều báo, đài đã định hướng thông tin bằng cách cung cấp toàn bộ tư liệu liên quan tới sự kiện một cách có hệ thống, bài bản, đầy đủ và đa chiều ý kiến. Trong thông tin báo chí, nhiều khi sự kiện tự nó nói lên ý nghĩa chính trị - xã hội mà không cần bất cứ lời giải thích nào. Công chúng sẽ tự nhận thức ý nghĩa chính trị xã hội của sự kiện theo những tư liệu mà báo chí cung cấp một cách khách quan.
Tuy nhiên, không phải bao giờ cũng như vậy. Có những sự việc, vấn đề cần được giải thích, bình luận để công chúng không chỉ biết mà có thể hiểu được bản chất vấn đề. Đó là những sự kiện phức tạp, đa nghĩa, cần được tiếp cận từ nhiều phía, đa chiều và có cơ sở khoa học về nhận thức, lý luận và cơ sở thực tiễn. Nhiều bài bình luận, xã luận, chuyên luận của báo chí, có giá trị thức tỉnh nhận thức, giá trị mở đường dư luận xã hội.
Từ việc báo chí giúp công chúng biết đến hiểu là quá trình nhận thức, trên cơ sở được tiếp nhận đầy đủ, trung thực và đa chiều các nguồn tin.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp báo chí thông tin trái chiều, mâu thuẫn nhau. Nhiều sự việc bị đẩy lên quá mức, hoặc suy diễn cảm tính, làm công chúng hay dư luận xã hội mất phương hướng, không biết tin vào đâu; làm ảnh hưởng đến uy tín của báo giới, gây phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc.
Chìa khóa nào trong định hướng thông tin?
Trách nhiệm xã hội của nhà báo là phải đưa thông tin trung thực, khách quan, chính xác để định hướng dư luận xã hội theo hướng vừa đúng ý Đảng, vừa hợp lòng dân. Theo đó, nhà báo định hướng thông tin thể hiện ở chỗ lựa chọn, xử lý thông tin, đưa hay không đưa tin, đưa lúc nào, ở đâu, đưa như thế nào, liều lượng, mức độ đưa tin ra sao… để không gây tác động tiêu cực, không gây hậu quả xấu tới xã hội. Nghĩa vụ công dân đòi hỏi nhà báo không chỉ phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp. Nhà báo không được lợi dụng vị thế nghề nghiệp để vi phạm pháp luật, không được tự cho mình quyền làm trái, đứng trên pháp luật.
Trong xử lý thông tin, đối với nhà báo, khó nhất là đưa thông tin như thế nào về những vấn đề “nóng” chưa có sự đồng thuận trong xã hội. Đây thường là những vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ, vấn đề phức tạp, vì vậy cuộc sống chưa có lời giải hoặc có nhiều lời giải khác nhau, chưa dễ phân định đúng, sai.
Đằng sau một quyết định hành chính, một hiện tượng kinh tế, văn hóa, xã hội gây tranh cãi, có thể ẩn chứa những lợi ích nhóm, thậm chí lợi ích cá nhân. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, không phải sự nhân danh nào - có khi rất đàng hoàng, công khai - cũng đều có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung của dân tộc, của đất nước.
Vậy báo chí định hướng dư luận xã hội trong những tình huống này như thế nào?
Đó là, nhà báo phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh; Cần bình tĩnh, thận trọng, không vội vàng đưa tin, viết bài khi chưa nắm chắc bản chất của sự kiện. Nôn nóng trong đưa tin, nhiều khi “lợi bất cập hại”, bởi thông tin không đúng bản chất sự kiện có thể gây tác hại khôn lường. Nhà báo cần hết sức trung thực, khách quan, không định kiến, để rộng đường dư luận xã hội.
Trước một vấn đề chưa có sự đồng thuận xã hội, nhà báo cần phải thông tin từ nhiều góc độ, nhiều cách tiếp cận, tranh thủ ý kiến chuyên gia, nhất là những chuyên gia có uy tín xã hội.
Xin dẫn chứng một số tình huống: Trước diễn biến giá dầu thế giới liên tục biến động tăng, giảm, giá xăng dầu trong nước đã có sự điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Trước những dư luận trái chiều về các quyết định điều chỉnh giá này, báo chí đã tìm đến các chuyên gia kinh tế, để có cái nhìn khách quan, công bằng, chứ không chỉ dựa theo ý kiến của người tiêu dùng hoặc chỉ theo giải thích của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy mới có thể thông tin cho người tiêu dùng biết được việc điều hành giá xăng dầu có bảo đảm công khai, minh bạch và nhất quán hay không, có vì lợi ích cục bộ của nhóm các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này không?
Hoặc như, với thị trường bất động sản - một thị trường ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, báo chí đã đăng tải những thông tin đa chiều, của người dân, của doanh nghiệp bất động sản, của các nhà quản lý nhà nước, của các chuyên gia kinh tế, các luật sư, về ý kiến “nên để thị trường bất động sản rơi tự do” hay “Nhà nước nên giải cứu thị trường bất động sản?”. Những ý kiến đó đã cho thấy bản chất của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay để Nhà nước có hướng xử lý.
Thông tin trung thực, khách quan và bình luận một cách thuyết phục, là chìa khóa thành công cho báo chí trong định hướng thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.