Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vắc xin là "lá chắn" tốt nhất bảo vệ con người trước Covid-19

Nhóm phóng viên| 23/06/2021 12:50

(HNMO) - Ngày 23-6, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh mở rộng diện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho giáo viên và cán bộ, viên chức cơ quan nhà nước trong chiến dịch 1 triệu người được tiêm chủng. Các chuyên gia y tế cũng đã lên tiếng về việc cần hiểu đúng đối với các ca tử vong sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 mới xảy ra trong thời gian qua.

Một điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại quận Gò Vấp sáng 23-6.

Tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm

Tại quận Gò Vấp, ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 5.500 giáo viên các trường trên địa bàn. Trước đó, từ ngày 21-6, quận Gò Vấp đã triển khai tiêm cho hơn 8.000 người là thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng vũ trang… theo thứ tự đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ.

Chị Lương Bích Hợp, ngụ tại phường 5, quận Gò Vấp cho biết, được tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần này, chị và các đồng nghiệp thêm yên tâm khi tham gia tổ chức kỳ thi vào lớp 10 công lập, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến triển khai vào cuối tháng 7 tới.

Trước thông tin một số người dân sốt ruột khi chưa được gọi tiêm vắc xin, đại diện Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết, ngành Y tế sẽ thực hiện theo thứ tự nhóm đối tượng ưu tiên và sẽ tiếp tục mở rộng dần các đối tượng tiêm, bảo đảm dần phủ rộng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân theo đúng chủ trương của Chính phủ và thành phố.

Các giáo viên quận Gò Vấp được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Còn tại thành phố Thủ Đức, từ ngày 21-6 đến nay, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở 12 điểm tiêm cho 2.474 người thuộc diện cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và 34 phường trên địa bàn. Tất cả trường hợp được tiêm vắc xin đều có sức khỏe ổn định.

Trong mấy ngày vừa qua, cũng có người được gọi đến tiêm, nhưng không đủ điều kiện tiêm chủng. Đơn cử tại quận Bình Thạnh, điểm tiêm tại Trường THCS Đống Đa (phường 25) có 85 người hoãn tiêm. Điểm Trường THCS Phú Mỹ (phường 19) có 107 người hoãn tiêm.

Đại diện Bệnh viện quận Bình Thạnh, đơn vị phụ trách tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các điểm tiêm này cho biết, những trường hợp hoãn tiêm đều nằm trong quy định sàng lọc đối tượng tiêm mà Bộ Y tế ban hành.

Cụ thể, Bộ Y tế có quy định nhóm người cần thận trọng khi tiêm và đối tượng cần trì hoãn tiêm. Những người cần thận trọng khi tiêm (khám sàng lọc kỹ và tiêm tại bệnh viện) gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.

Với nhóm người cần trì hoãn tiêm là những người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được, những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan…, người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Ngoài ra, còn có trường hợp chống chỉ định tiêm, như người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào, người có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Phân loại các đối tượng được và không được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Hiểu đúng về phản ứng sau tiêm

Thông tin một trường hợp tại Hà Nội tử vong ngày 22-6 sau nhiều giờ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã khiến một số người tại thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra lo ngại khi được gọi đi tiêm. Đơn cử tại một khu công nghiệp ở quận 7, nữ công nhân Hồ Thị Diễm My từ chối tiêm với lý do “sợ sự cố rủi ro”. Đó cũng là lý do của ít nhất 5 nữ công nhân khác cùng phân xưởng với cô.

Nói về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhân viên y tế và giới truyền thông cần có cách tiếp cận đúng với những trường hợp cơ thể phản ứng tiêu cực sau tiêm, để không gây hoang mang trong xã hội.

Một điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra với bất kỳ loại vắc xin nào, được chia làm 2 nhóm thông thường và nghiêm trọng. Thông thường có triệu chứng sốt, đau người, sưng vết tiêm…, còn nghiêm trọng thì có thể khiến cơ thể có phản ứng thái quá với dị nguyên (các chất được đưa vào cơ thể), từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây tử vong cần được xác định cẩn trọng, kỹ càng.

“Như trường hợp tử vong gần đây nhất tại Hà Nội, giới chuyên môn đều hiểu là không hề liên quan đến vắc xin, bởi người được tiêm đã qua 24h sau tiêm chủng, nên không thể nói rằng anh ấy tử vong vì sốc phản vệ sau tiêm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Bác sĩ Khanh cho rằng: “Người dân cần được truyền thông đầy đủ và hiểu đúng về phản ứng tiêu cực sau tiêm. Hiện tại, được tiêm vắc xin là cách để người dân có “lá chắn” tốt nhất bảo vệ mình trước dịch Covid-19”.

Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vắc xin là "lá chắn" tốt nhất bảo vệ con người trước Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.