(HNMO) - Dự kiến, đến hết tháng 3-2021, nước ta sẽ hoàn tất đợt 1 tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài bảo vệ chính bản thân người được tiêm, việc tiêm phòng còn giúp Việt Nam nhanh chóng có được miễn dịch cộng đồng, từ đó kiểm soát, khống chế dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Nếu ai cũng tiêm phòng, mầm bệnh sẽ bị ngăn chặn
Theo tin từ Bộ Y tế, tính đến cuối giờ chiều 16-3, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 cho tổng cộng 20.695 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ, như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Trong đó, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm, chỉ có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý kịp thời và hiện sức khỏe đều đã ổn định.
Dự kiến, đến cuối tháng 3-2021, Việt Nam sẽ có thêm lô vắc xin Covid-19 với số lượng khoảng 1,3 triệu liều và phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố. Việt Nam sẽ tiến tới tăng độ bao phủ của vắc xin Covid-19, đồng thời triển khai việc tiêm chủng từng bước thận trọng, bảo đảm an toàn.
"Việt Nam phải đặt an toàn lên hàng đầu. Coi an toàn tiêm chủng, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên cao nhất cho giai đoạn hiện nay", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đề cập giá trị chính của việc tiêm phòng vắc xin Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, giá trị của vắc xin là tạo ra hàng rào miễn dịch cộng đồng. Nếu ai cũng tiêm phòng, ai cũng có miễn dịch 70%, thì mầm bệnh xâm nhập vào cộng đồng sẽ nhanh chóng bị ngăn chặn.
"Hiện tại, vắc xin Covid-19 không chỉ cần để giảm tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh, mà còn cần để phát triển kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Vắc xin cùng với "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế sẽ giúp chúng ta đủ sức khống chế dịch bệnh", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay, với các bệnh truyền nhiễm, việc có vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch bệnh lây lan và bùng phát.
Tương tự, với vắc xin phòng Covid-19, việc người được tiêm phòng, nếu có miễn dịch thì bản thân không bị nhiễm bệnh, hoặc nếu có nhiễm bệnh thì bệnh sẽ nhẹ, giảm nguy cơ tử vong. Thậm chí, khi được tiêm phòng, họ cũng không làm lây truyền bệnh.
Là một trong những người đã tiêm phòng vắc xin Covid-19, điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi.
Chị Thư chia sẻ: "Khi bước vào bàn đăng ký, tôi được khám sàng lọc, đo thân nhiệt và được tư vấn kỹ nên rất yên tâm. Sau khi tiêm xong, tôi ở lại Phòng Tiêm chủng theo dõi 30 phút, sức khỏe của tôi không có gì bất thường. Hiện tại, sau 9 ngày tiêm vắc xin Covid-19, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường".
Còn theo Thạc sĩ Phạm Thị Nguyệt Quyên, phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, mỗi vắc xin khi được đưa ra thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), do đó, khi được tiêm, mọi người không cảm thấy lo lắng, mà hoàn toàn tin tưởng vào sự an toàn của vắc xin.
Chú trọng an toàn tiêm chủng
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, cũng như các loại vắc xin khác, vắc xin Covid-19 có thể có phản ứng không mong muốn sau khi tiêm chủng và có các phản ứng thông thường, như: Đau, sưng, đỏ tại chỗ tiêm....
"Hiện nay, vắc xin phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam là vắc xin của AstraZeneca chỉ định cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Khi đi tiêm chủng, người dân cần cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình sức khỏe, như: Tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm chủng, thuốc đang sử dụng, tình hình sức khỏe hiện tại... cho cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng có chỉ định tiêm chủng phù hợp và tư vấn theo dõi sau tiêm cụ thể", bà Dương Thị Hồng lưu ý.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam nỗ lực để sớm có vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho người dân. Do chưa có đủ vắc xin, nên trước hết phải phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ. Việc triển khai tiêm chủng tại nước ta sẽ diễn ra từng đợt, tùy theo tình hình cung ứng vắc xin.
Tuy nhiên, thời gian tới, vắc xin phòng Covid-19 sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, tiến tới cơ bản về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, có phần nhỏ nguồn vắc xin Covid-19 là vắc xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.
Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là khi nào người dân được đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 một cách rộng rãi?
Trả lời câu hỏi này, bà Vũ Thu Hà, Giám đốc cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC, khẳng định việc tiêm vắc xin Covid-19 đang tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế về các đối tượng tiêm chủng. Trong điều kiện có đủ vắc xin để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng và có nhiều loại vắc xin được nhập về Việt Nam, người dân có thể chọn vắc xin khi tiêm dịch vụ. Ngay khi có vắc xin, thông tin đăng ký, hình thức đăng ký sẽ được cập nhật trên website: vnvc.vn.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.