(HNMO) - Những ao nước nhỏ phản chiếu hình ảnh trường học giáo lý cổ kính tại quảng trường Lyab-I Hauz với lớp gạch men xanh ở thành phố Bukhara. Vài người đàn ông trong trang phục áo dài từ tốn rót trà bằng ấm bạc trong quán cà phê bên kia đường. Con phố chật hẹp uốn lượn quanh các tòa nhà 4 tầng tại trung tâm thị trấn, nơi người bán hàng mời chào những chiếc áo sợi dệt, gia vị khô và giày da thuộc. Đó là tất cả những gì mà tôi từng hình dung về thành phố nằm ở trung tâm thảo nguyên châu Á này.
Tàu hỏa nối liền các thành phố thuộc Con đường tơ lụa. (Ảnh: Hemis) |
“Lại đây”, người bạn đồng hành của tôi – Vladimir Kim – gọi lớn. “Tôi sẽ cho cậu thấy những hình ảnh thực nhất của Bukhara”.
Và rồi tôi nhận ra, có hai đất nước Uzbekistan cùng tồn tại song hành: Một với sự hồi phục mạnh mẽ của những thành phố như Bukhara và Samarkand – nơi những ngôi nhà của thương gia từ thế kỷ 19 được cải tạo thành khách sạn kiểu mới, với phòng ăn sáng bằng vữa và đá cẩm thạch. Du khách sẽ được giới thiệu thông qua các tour du lịch tại nơi được coi như đài tưởng niệm của một trong những trung tâm tài chính và trí tuệ của thế giới Hồi giáo thời trung cổ. Và một Uzbekistan khác quen thuộc với những người dân địa phương – vượt ra ngoài Con đường tơ lụa.
Những mảnh lụa được bày bán trong một khu chợ địa phương. (Ảnh: Kasia Nowak) |
Kim dẫn tôi đến một khu chợ nằm khuất sau thành, nơi có những người phụ nữ lớn tuổi bán bánh mì in con dấu của Bukharia (mỗi tỉnh có một logo riêng), cùng những cô gái trẻ mua đồ cưới may bằng nhung với ánh mắt hân hoan rạng rỡ.
Chiếc bánh mì được "đóng dấu" của thành phố. (Ảnh: Dirk Renckhoff) |
Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên vì chi phí của một trong những bộ váy cưới: 850.000 som, tương đương với mức lương trung bình của một người lao động trong cả tháng trời. Tôi tự hỏi liệu có phải họ đã đội giá lên vì tôi là khách du lịch?
Kim giải thích rằng: “Người dân ở đây sẽ dành tất cả những gì tốt nhất cho đám cưới. Một số người thậm chí còn đăng thiệp mời trên các tờ báo địa phương và sử dụng những loại giấy in đắt tiền. Họ chi phần lớn số tiền tiết kiệm của mình cho trang phục và tiệc cưới. Cũng như nhiều quốc gia có truyền thống du canh du cư khác, sự thân thiện với người lạ được coi là một đức tính cần thiết, và sẽ là một sự xấu hổ vô cùng lớn nếu đám cưới của họ lại không thể cung cấp đủ phần ăn cho cả làng.
Món mỳ nấu bằng mỡ cừu non và hồ tiêu. (Ảnh: Alamy) |
Một cậu bé mang bánh ra chợ bán. (Ảnh: J Marshall) |
Trong khi những người khác trong đoàn du lịch đi đến một nhà hàng gần Lyab-I Hauz, Kim dẫn tôi đi qua các khu chợ, len lỏi giữa những chiếc khăn lụa và túi xách treo trên các gian hàng.
Tôi rất thích chiếc khăn viền đồng xu mà một người phụ nữ dùng để che mặt. Tôi liền hỏi liệu mình có thể mua một chiếc tương tự ở đâu, và cô ấy trả lời bằng một thứ ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Nga và Uzbekistan, mà nếu tôi không nhầm có nghĩa là “đi theo tôi”.
Hai phút sau, chúng tôi có mặt tại một gian hàng với âm thanh leng keng phát ra từ những mảnh lụa đính đồng xu đang bay nhẹ theo gió. Tôi hỏi Kim liệu cô gái ấy có làm việc tại cửa hàng này không và anh đáp: “Không, cô ấy chỉ muốn giúp cậu thôi”.
Một bữa tiệc của người dân địa phương với các món ăn truyền thống. (Ảnh: Vova Pomortzeff) |
Tại trung tâm mang đậm giá trị lịch sử và cũng là địa điểm thu hút du lịch của Bukhara, thương mại chính là nền tảng của mọi tương tác xã hội. Nhưng cách đó chỉ vài phút đi bộ, không khí vô cùng hân hoan và có phần lộn xộn hơn. Không bị cản trở bởi các hoạt động kinh doanh du lịch, các khu chợ ở đây là nơi lộn xộn nhưng hiếu khách một cách đáng ngạc nhiên.
Cơm thịt cừu là một món ăn truyền thống của Uzbekistan. (Ảnh: Alamy) |
Những trải nghiệm về sự tồn tại song hành của hai Uzbekistan tiếp tục theo tôi trong suốt phần còn lại của hành trình. Trong buổi sáng, tôi theo đoàn du lịch khám phá Con đường tơ lụa, không chỉ ở Bukhara mà còn ở các thành phố khác như Samarkand cổ kính.
Tôi chụp ảnh quảng trường trung tâm tuyệt đẹp Registan, ghi lại hình ảnh những tòa nhà khổng lồ được khôi phục một cách hoàn hảo đến từng chi tiết, đại diện cho sự kết thúc của quá khứ và điểm khởi đầu tương lai. Tôi sẽ đến đài quan sát Ulug Bey, nơi một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất của thế giới Hồi giáo đã tạo ra bản đồ sao mà không cần đến kính thiên văn. Tôi cũng muốn ăn món baklava cùng nước sốt mật ong và uống cà phê tại phòng trà trải những tấm thảm dệt khổ lớn.
(Ảnh: Alamy) |
Khi Kim ra hiệu, chúng tôi lại bắt đầu hành trình bước vào một đất nước Uzbekistan hoàn toàn khác.
Tại đó, tôi thưởng thức món cơm thịt ngựa đựng trong những chiếc đĩa khổng lồ được trang trí bằng trứng luộc và xúc xích, trong một quán ăn tại ngoại ô Samarkand. Chúng tôi đổi tiền và men theo những con hẻm, ngang qua các cửa hàng rượu ở thủ đô Tashkent. Tôi và Kim bước vào một quán bar và gọi “trà trắng” – thực chất là vodka. Tôi cũng sẽ mua đủ mọi loại gia vị được gói ghém trong những tờ báo cũ.
Trà trắng là cách nói chệch của vodka. (Ảnh: J Marshall) |
Sau nhiều chuyến đi dài, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy nét đặc sắc của những nơi mình từng đặt chân đến không chỉ nằm ở danh lam thắng cảnh hay các công trình biểu tượng nổi tiếng mà còn ẩn chứa trong chính cuộc sống thường ngày của những người dân địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.