Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủy quyền nhận quyền lợi phát sinh sau GPMB: Cần thận trọng!

Duy Biên| 17/08/2015 06:57

(HNM) - Sau khi đã nhận đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) từ các dự án trên địa bàn thành phố, một số hộ dân đã ủy quyền cho người khác được hưởng quyền lợi (nếu có) từ phía các cơ quan chức năng. Đổi lại, những người ủy quyền được trả một số tiền không nhỏ

Dự án đường Vành đai 2 liên quan đến các hộ dân ký Hợp đồng ủy quyền.



Cuối tháng 4-2015, ông Hà Sỹ Mạnh ở 485 La Thành (phường Thành Công, quận Ba Đình), biết được bà Trần Thị Quế ở địa chỉ 448 đường Bưởi (quận Ba Đình) nằm trong diện GPMB Dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy) đã nhận đầy đủ tiền đền bù GPMB và nhận một căn hộ tái định cư theo quy định. Theo bà Quế, vì gia đình bà còn một số diện tích chưa được bồi thường nên ngày 4-5-2015, bà đã ký Hợp đồng ủy quyền công chứng với ông Mạnh tại Văn phòng công chứng Tây Hồ . Nội dung của bản hợp đồng nêu rõ, ông Mạnh có quyền ký để nhận phương án và quyết định của UBND quận Ba Đình về việc bổ sung và hỗ trợ về các khoản tiền liên quan đến GPMB của gia đình bà Quế, bao gồm cả việc nhận giấy mời đi lĩnh tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB. Ngoài ra, ông Mạnh được nhận toàn bộ các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ phát sinh từ diện tích đất bị thu hồi của gia đình bà Quế… Đổi lại, ông Mạnh phải trả cho gia đình bà Quế 170.000.000 đồng.

Ngoài gia đình bà Quế, ông Mạnh còn ký Hợp đồng ủy quyền với 8 hộ dân khác là Đào Kim Dung, Nguyễn Đình Huề, Nguyễn Văn Quý, Trần Thị Vang, Nguyễn Văn Như, Phùng Thị Dương, Nguyễn Mỹ Dung, Trần Tuyết Lan. Các hộ dân này đều nằm trong diện GPMB thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy). Những tưởng mọi việc sẽ êm thấm vì các bên đã thỏa thuận và hiểu quyền lợi của mình nhưng sau khi UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận nội dung đề xuất của liên ngành theo Tờ trình số 443/TTr-BCĐ ngày 17-6-2015, trong đó cho phép UBND quận Ba Đình được phê duyệt hỗ trợ đối với các trường hợp có diện tích đất ở đủ điều kiện được bồi thường theo giá đất ở, bị thu hồi toàn bộ, đủ điều kiện để bố trí tái định cư, đã bàn giao mặt bằng đúng thời hạn mà diện tích căn hộ tái định cư nhỏ hơn 2 lần diện tích đất ở bị thu hồi thì được hỗ trợ, mức bồi thường bằng 10% giá đất ở tại vị trí thu hồi nhân với phần diện tích chênh lệch giữa 2 diện tích đất ở được bồi thường với diện tích căn hộ tái định cư được xét bán thì cũng là lúc các hộ dân có đơn thông báo chấm dứt Hợp đồng ủy quyền với ông Mạnh. Những hộ dân này cho rằng Hợp đồng ủy quyền có dấu hiệu bất thường và bị ông Mạnh dụ dỗ, ép buộc khi ký. Các hộ dân đã gửi thông báo cho Văn phòng công chứng Tây Hồ cũng như hàng loạt các cơ quan chức năng.

Được biết, sau khi xem xét văn bản của các hộ dân, Văn phòng công chứng Tây Hồ trả lời, khẳng định Điều 51- Luật Công chứng số 53/2014/QH13 quy định "Việc công chứng, sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng giao dịch đó". Mặt khác, tại Điều 6 của Hợp đồng ủy quyền, hai bên đã cam kết "Không đơn phương chấm dứt hủy bỏ hợp đồng. Việc bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng phải có sự thỏa thuận của cả hai bên và được chứng nhận của công chứng viên Văn phòng công chứng Tây Hồ". Do vậy, việc các hộ dân ký gửi thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng ủy quyền với ông Mạnh là không có cơ sở xem xét.

Theo ông Hà Sỹ Mạnh, đến nay, đã có 2 hộ dân làm đơn xin hủy bỏ thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, trong đó có gia đình bà Quế sau khi nhận được trả lời từ phía Văn phòng công chứng Tây Hồ. Việc các hộ dân còn lại vẫn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng không chỉ vi phạm hợp đồng ủy quyền mà còn xâm phạm quyền lợi hợp pháp của ông.

Thiết nghĩ, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có hàng trăm dự án đang GPMB, đi liền với đó cũng xuất hiện tình trạng nhiều người chấp nhận rủi ro bỏ ra một số tiền không nhỏ để nhận ủy quyền hưởng các quyền lợi phát sinh. Để quyền lợi của mình được bảo đảm, tránh tranh chấp, cả người ủy quyền và người nhận ủy quyền cần thận trọng trước khi ký hợp đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy quyền nhận quyền lợi phát sinh sau GPMB: Cần thận trọng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.