Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển

ThS Nguyễn Thanh Hải| 28/12/2016 05:41

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách phát triển công nghiệp của Hà Nội, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Thủ đô.


Năng lực hạn chế, thiếu liên kết

Những năm gần đây, Hà Nội đã mở rộng, phát triển và triển khai hoạt động 8 khu công nghiệp và 43 cụm công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia trong lĩnh vực CNHT. Giai đoạn 2011-2015, các nhóm ngành và sản phẩm CNHT thế mạnh của Hà Nội như linh phụ kiện ô tô, xe máy, vật liệu điện, bao bì, phụ tùng cơ khí,… chiếm tỷ trọng 25% công nghiệp trên địa bàn, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thay thế phụ tùng, linh kiện nhập khẩu, đạt doanh thu 60.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động, đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.


Sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long.Ảnh: Huy Hùng


CNHT Hà Nội không chỉ dừng ở việc đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, sản xuất lắp ráp tại chỗ, mà đã chuyển biến, tham gia vào thị trường xuất khẩu. Một số DN có đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị sản phẩm đa quốc gia bằng việc trở thành vệ tinh cung cấp sản phẩm linh kiện cho các DN có vốn nước ngoài tại Việt Nam. Một số sản phẩm CNHT của Hà Nội đã có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu như Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Kim khí Thăng Long, Nhựa Hà Nội, Xích líp Đông Anh…

Tuy nhiên, thời gian qua, Ngành CNHT của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn phát triển theo hướng tự phát, chưa có định hướng, chiến lược tập trung vào một số ngành, nhóm sản phẩm trọng điểm để phát triển; còn thiếu nhiều sản phẩm hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp dệt may, da giày, cơ kim khí là các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội có lợi thế cạnh tranh khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Các DN CNHT của Hà Nội có năng lực sản xuất còn hạn chế, chưa tìm được giải pháp liên kết, phối hợp sản xuất, liên kết nhà sản xuất chính với các nhà thầu phụ, giữa các nhà thầu phụ với nhau, giữa các DN "ngoại" với DN "nội".

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trên cơ sở đồng hành với DN, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về CNHT như chương trình phát triển sản phẩm CNHT Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015; kế hoạch trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn; quyết định về việc quy định một số chính sách khuyến khích phát triển CNHT trên địa bàn giai đoạn 2014 - 2015; chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho DN trên địa bàn; quy hoạch phát triển công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể khác để phát triển CNHT...

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp đào tạo về quản trị, ứng dụng công nghệ cao cho các DN CNHT để nâng cao trình độ quản lý, giúp DN trở thành đối tác cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài lớn; hợp tác với Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) thực hiện dự án “CNHT Việt Nam hướng tới thị trường Châu Âu” nhằm nâng cao năng lực Ngành CNHT của Hà Nội đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhằm hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác sản xuất, tìm hiểu thị trường, TP Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối DN vốn FDI với DN trong nước qua các hoạt động triển lãm chuyên sâu về CNHT; phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản và Công ty Tổ chức triển lãm quốc tế (Thái Lan) tổ chức các triển lãm, hội chợ, trưng bày giới thiệu sản phẩm CNHT; các hoạt động giới thiệu nhu cầu và năng lực cung ứng của DN "nội". Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và DN, qua đó đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển CNHT. Sở cũng xây dựng và triển khai các đề án hỗ trợ DN sản xuất công nghiệp đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản trị, điều hành; đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực các DN cơ khí Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng đề án phát triển sản phẩm CNHT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020...

Tiếp tục triển khai Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung vào 3 ngành chính: Sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, CNHT cho Ngành Dệt may - Da giày. Hà Nội sẽ tích cực đẩy mạnh xây dựng chính sách đặc thù cho sản xuất CNHT, chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển các khu - cụm công nghiệp theo chiều sâu, phát triển các vườn ươm DN; đồng thời triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu (như hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối DN, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…). Hà Nội cũng khuyến khích các nhà đầu tư với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT có thị trường lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ nhằm tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.