(HNM) - Năm 2011, tuy khó khăn về vốn và mặt bằng nhưng xét theo kế hoạch 5 năm (2011-2015) được TP Hồ Chí Minh đề ra trong chương trình giảm ùn tắc giao thông thì việc xây dựng các công trình giao thông đã đạt chỉ tiêu đề ra. Trong năm 2012, TP sẽ tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư những công trình giao thông trọng điểm có khả năng hoàn thành.
Đạt chỉ tiêu
Theo thống kê của Sở GTVT, trong năm 2011, TP đã đưa vào khai thác 9 cây cầu, 23km đường và xây dựng, nâng cấp, cải tạo mới gần 1,5 triệu mét vuông đường. Các công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác gồm: Toàn tuyến Đại lộ Đông Tây (trong đó có hầm vượt sông Sài Gòn). Tuyến đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn từ hợp lưu, quận Tân Bình đến cầu Lê Văn Sỹ, quận 3) và nút giao thông Gò Dưa, đều hoàn thành giai đoạn 1; cầu Phú Long vượt sông Sài Gòn nối thành phố với tỉnh Bình Dương; đường Rừng Sác; đường Nguyễn Văn Bứa (kết nối quốc lộ 22 với tỉnh Long An)…
Tuyến đường lớn nhất TP Hồ Chí Minh là Đại lộ Đông Tây đã thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 11 vừa qua. |
Việc hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm không những hoàn thiện dần hệ thống hạ tầng giao thông mà còn góp phần quan trọng giảm ùn tắc đáng kể và nằm trong 6 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra. "Nếu nhìn lại chỉ tiêu đánh giá trên cơ sở 5 năm được đặt ra trong chương trình giảm ùn tắc giao thông thì trong năm 2011 việc xây dựng hạ tầng giao thông đã đạt chỉ tiêu đề ra" - Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, cũng có một số công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ trong năm 2011 như cầu Rạch Tra, tỉnh lộ 10, đường Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thị Thập… Đây là những công trình ở vành đai ngoài của TP. Nguyên nhân là do nguồn vốn bố trí GPMB và xây lắp công trình thiếu, nhiều công trình tuy có đủ kinh phí nhưng khâu GPMB chậm tiến độ. Ngoài ra, giá cả vật liệu, cơ chế thắt chặt, điều chỉnh cơ cấu hoạt động tín dụng, tiền tệ và cắt giảm đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ… cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của TP.
Để thực hiện đầy đủ, đúng với quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2025, trung bình mỗi năm TP phải đầu tư xấp xỉ 3 tỷ USD xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, chủ yếu là công trình giao thông. Thế nhưng, dù đã hết sức nỗ lực, song mỗi năm ngân sách thành phố chỉ có thể cân đối được khoảng 1/3 kinh phí so với nhu cầu, còn lại phụ thuộc vào công tác xã hội hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước khác.
Đầu tư trọng điểm, không dàn trải
Theo danh mục dự án giao thông đã được xác lập trong 5 năm (2011-2015), TP phải xây mới 210km đường và 50 cây cầu. Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan, TP yêu cầu Sở GTVT lựa chọn những công trình giao thông để đầu tư có trọng điểm, đồng bộ và không dàn trải.
Theo Sở GTVT cho biết, tuyến đường vành đai phía đông dài 5,5km (từ liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc, quận 2), nhà thầu đã thi công một số hạng mục và hiện do thiếu vốn nên phải ngừng thi công. Sở GTVT đã yêu cầu nhà thầu phải khẩn trương hoàn thành trên cơ sở thành phố hỗ trợ về vốn. Sở cũng đã báo cáo lên UBND TP việc giải ngân tiếp cho chủ đầu tư cầu Phú Mỹ (PMC Phú Mỹ) 430 tỷ đồng và yêu cầu PMC Phú Mỹ phải cân đối số tiền trên để hoàn thành nốt 5,5km còn lại trong năm 2012. Sở cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu và bàn giao những công trình đã thi công xong cho TP.
Được biết, UBND TP đã tăng cường chỉ đạo và ưu tiên cho các công trình trọng điểm, bảo đảm hoàn thành trong năm 2012. Ngoài ra, TP cũng ra cơ chế xin tạm ứng, như trường hợp mặt bằng dự án đủ điều kiện đáp ứng sẽ được TP xem xét, có thể cho tạm ứng để hoàn thành công trình, hạn chế việc tạm ngừng thi công.
Theo kế hoạch của Sở GTVT, trong năm 2012, các công trình dự kiến hoàn thành gồm: Toàn tuyến liên tỉnh lộ 25B mở rộng lên 6 làn xe; 5,5km đường vành đai phía đông; đường tỉnh lộ 10 kết nối tây nam TP với tỉnh Long An; cầu Rạch Tra nằm trên tỉnh lộ 9, toàn tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè dài 10km; cầu Rạch Chiếc (dự kiến hoàn thành tháng 6-2012) và cầu Sài Gòn 2. Một số công trình khác sẽ đưa vào khai thác từng phần như Xa lộ Hà Nội (chủ yếu đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến nút giao thông trạm 2 và đường song hành hai bên); 1,5km đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn thuộc quận Gò Vấp).
Việc đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm trong năm 2011 đã tác động rõ rệt đến tổ chức giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tuyến vận tải nặng được tổ chức lại sau khi đã mở rộng các tuyến đường nối sang bờ đông sông Sài Gòn theo hướng cầu Phú Mỹ - liên tỉnh lộ 25B- Xa lộ Hà Nội và kết nối với đường Vành đai 2. Trong năm 2012, TP định hướng tiếp tục đầu tư hoàn thiện trục hướng tâm kết nối đường Vành đai 2, nhằm giảm áp lực giao thông, góp phần hạn chế ùn tắc khu vực trung tâm và cửa ngõ TP. TP cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng quỹ đất giao thông lên 1%/năm, để trong 5 năm nữa, diện tích đất dành cho giao thông của TP đạt con số 10%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.