Trước khi cho trẻ uống thuốc, nhiều phụ huynh rất quan tâm đến chất lượng thuốc. Tuy nhiên, thực tế ít ai lưu ý đến hạn dùng của thuốc (hay “đát” của thuốc).
Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, hạn dùng của thuốc là thời hạn ấn định cho thuốc mà trước thời hạn đó thuốc còn đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nếu được bảo quản đúng qui định. Nói cách khác hạn dùng của thuốc là thời hạn mà quá mốc đó, thuốc sẽ không được phép bán trên thị trường và cho bệnh nhân sử dụng. Tùy loại thuốc mà hạn dùng có thể từ 2-5 năm. Hạn dùng là tiêu chí quan trọng nhất để nói một thuốc còn chất lượng hay không. Một thuốc có thể không còn đạt chất lượng khi vẫn còn hạn dùng nhưng một thuốc quá hạn thì chắc chắn không đủ chất lượng để lưu thông trên thị trường.
Theo qui định của Bộ y tế, hạn dùng được ghi bằng số hoặc chữ chỉ tháng và năm:
- Số chỉ tháng gồm hai con số hoặc tên tháng bằng chữ.
- Số chỉ năm là hai con số cuối của năm.
Thí dụ, hạn dùng của thuốc được ghi 30/08/2014, nghĩa là trong thời gian từ lúc phụ huynh mua thuốc đến ngày 29/8/2014, nếu thuốc được bảo quản đúng qui định, còn đảm bảo các yêu cầu về chất lượng thì thuốc được phép dùng, còn từ ngày 30/08/2014 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không còn giá trị sử dụng nữa. Và nếu hạn dùng được ghi là 08/2014, nghĩa là từ ngày 01/08/2014 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không được sử dụng.
Ảnh minh họa. |
Uống thuốc quá hạn dùng có sao không?
Dù trông vẻ bề ngoài thường không có sự thay đổi, thuốc quá hạn dùng hoặc mất tác dụng điều trị do giảm hoặc mất đi lượng hoạt chất cần thiết hoặc có thể gây độc vì hoạt chất của một số thuốc theo thời gian có thể chuyển sang một dạng mới, khác xa với dạng ban đầu và nếu dạng này có độc tính sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Một ví dụ đó là kháng sinh tetracyclin, khi thuốc này quá hạn sẽ gây hại cho thận.
Phụ huynh không nên quá tin tưởng vào hạn dùng của thuốc vì hạn dùng bao giờ cũng đi đôi với điều kiện bảo quản như đã nói ở trên. Bảo quản thuốc không đúng qui định có thể làm thuốc bị biến chất không sử dụng được dù chưa đến ngày hết hạn như khi để thuốc ở nơi quá nóng, quá ẩm, ánh sáng chiếu trực tiếp,… Do đó thuốc mua về không dùng ngay thì nên để nơi có nhiệt độ mát, khô ráo, không bị ánh nắng chiếu vào, đối với thuốc cần bảo quản lạnh thì cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Đối với thuốc không phân liều, phải sử dụng nhiều lần như: thuốc nhỏ mắt, mũi, tai, hay ở bệnh viên nhi, trẻ hay được cho dùng các loại thuốc dung dịch, hỗn dịch; các loại thuốc tiêm, phải dùng nhiều liều, nhiều lần mới hết một lọ thì còn có thêm một hạn dùng cho thuốc sau khi đã khui, đã pha. Hạn sử dụng này thường tùy vào hướng dẫn của nhà sản xuất, có thể là: 1 hoặc 2 ngày, 1 tuần, hoặc phải hủy ngay… vì lượng thuốc có thể giảm đi nhưng điều mà người ta sợ nhất là vi trùng, nấm mốc làm hư lọ thuốc khiến tình trạng bệnh nặng hơn hoặc người bệnh chưa hết bệnh này đã được “tặng” thêm bệnh khác.
Thuốc sắp hết hạn có nên dùng hay không?
Theo dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, đối với những trường hợp bệnh mãn tính, cần điều trị một thời gian dài: 1 tháng, 2 tháng,.. hay thuốc bổ chứa nhiều viên, thuốc mua dự trữ trong tủ thuốc gia đình thì nên mua thuốc có hạn sử dụng xa, tránh mua thuốc rất gần ngày hết hạn trừ những trường hợp đặc biệt như thuốc đang rất khó tìm trên thị trường tuy nhiên nên chắc chắn thuốc vẫn còn hạn dùng vào ngày cuối cùng điều trị.
Riêng đối với việc nhập khẩu, phân phối thuốc viện trợ tới tay người tiêu dùng thì có qui định rõ:
- Thuốc viện trợ khẩn cấp, hạn dùng còn tối thiểu là 6 tháng khi về đến Việt Nam.
- Những trường hợp khác hạn dùng tối thiển phải còn 1 năm.
- Thuốc có hạn dùng ít hơn hai năm thì phải còn ít nhất 1/3 hạn dùng khi về đế Việt Nam.
Như vậy đối với người tiêu dùng không phải lúc nào chúng ta cũng nói không với thuốc cận “đát” vì những thuốc quá đắt tiền, thuốc cấp cứu, thuốc dùng chống dịch chúng ta vẫn nên sử dùng nếu thuốc còn đảm bảo chất lượng và chưa quá “đát”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.