Theo dõi Báo Hànộimới trên

Uống nhầm nước tro tàu, bé gái bị teo thực quản

Tuệ Diễm| 08/10/2015 14:08

(HNMO)- Trong một lần về quê ăn giỗ, bé Phạm Thị Mai Lan đã uống nhầm chai nước tro tàu dùng để làm bánh của họ hàng. Dù được người nhà phát hiện, nhưng do chủ quan đưa bé đi cấp cứu trễ khiến thực quản của cháu bị teo.

Ngày 10-8, tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ chuyên khoa II, Đặng Hồng Sơn – Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Bệnh viện đang tiếp tục điều trị cho bệnh nhi Phạm Thị Mai Lan, 4 tuổi, đến từ Đồng Tháp bị bỏng dung dịch chứa kiềm dẫn đến teo thực quản. Theo hồ sơ bệnh án, bé Lan nhập viện cách đây 4 tháng, trong tình trạng phỏng môi. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện thực quản bị tổn thương nặng, dính nhau khiến cháu không thể ăn uống”.

Bé Phạm Thị Mai Lan đang phải tiếp tục điều trị nong thực quản vì uống nhầm nước tro tàu.



Nguyên nhân được người nhà bé xác định, trong một lần về quê họ hàng ăn giỗ, bé Lan khát nước và chạy xuống bếp tìm nước. Thấy chai nước suối lavie trong suốt, bé không nghi ngờ nên mở nắp chai để uống. Bé có biểu hiện tím tại, môi đỏ rộp, người nhà phát hiện bé đã uống nhầm nước tro tàu đựng trong lavie, nên lập tức sơ cứu bằng cách đổ nhiều nước sạch vào miệng bé để bé nôn ra hết. Do chủ quan, chất độc đã được bé nôn ra nên gia đình đã không đưa đi cấp cứu. Qua 1 ngày, bé kêu đau họng, không nuốt được cơm thì mới tiến hành đưa cháu đi bệnh viện.

Nước tro tàu được làm bằng cách đốt củi, gỗ để lấy tro, sau đó hòa tro với nước sạch rồi khuấy đều. Để một thời gian tro sẽ lắng đọng xuống, rồi gạn lọc lấy phần nước trong. Đó chính là nước tro tàu làm thủ công. Ngày nay, nước tro tàu được sản xuất công nghiệp, được xem là một sản phẩm hóa chất công nghiệp. Tên hóa học của nước tro tàu được gọi là natri hydroxit (NaOH) hay hydroxit kali (KOH).

Trong thực phẩm, nước tro tàu dùng để nấu nước đường làm bánh trung thu giúp vỏ bánh sậm màu và mềm hơn. Ngoài ra, nước tro tàu giúp làm trắng, rau củ được giữ màu tự nhiên, tạo độ giòn cũng như giữ được lâu hơn. Nước tro tàu còn là nguyên liệu để làm bánh ú, bánh tro, trứng bách thảo hay làm cho sợi mỳ được dai hơn.

Bác sĩ Đặng Hồng Sơn cho biết: “Nước tro tàu hoàn toàn phát huy khả năng ăn mòn trên các mô sống như da, thịt, giác mạc vì chứa natri hydroxit (NaOH) hoặc hydroxit kali (KOH). Uống trực tiếp nước tro tàu sẽ làm hẹp thực quản và cũng có thể dẫn đến tử vong".

Có mặt tại bệnh viện Nhi đồng 1, bà nội của bé Lan cho biết: “Người nhà đã dùng dung dịch này để làm bánh và tẩy trắng dạ dày heo. Ngay khi đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện Đồng Tháp, gia đình tôi có mang theo chai nước gây bỏng miệng cháu. Tại đây, các bác sĩ đã đổ ít nước trong chai vào một thau nước có sẵn thì chậu nước nỏi bọt, sôi sùng sục”.

Ngay sau đó cháu Lan đã được chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh. Qua thăm khám, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành phẫu thuật đặt stent để nong thực quản. Tuy nhiên do thực quản cháu Lan đã bị teo, nên phải tháo Stent ra và nong lại thường xuyên. Bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng cao, do việc nong thực quản này phải thực hiện thường xuyên.

4 tháng điều trị tích cực đến nay, cháu Mai chỉ uống được sữa và dung dịch dinh dưỡng mà không thể nuốt thức ăn. Đến nay bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật 4 lần để nong thực quản, dự kiến, bé Lan sẽ phải nong thực quản đến hết năm nay mới có cơ hội trở lại bình thường.

Mỗi năm bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu 15-20 ca trẻ em bị bỏng thực quản do uống nhầm axit, dung dịch kiềm. Trong đó, chủ yếu là uống nhầm axit, chất tẩy rửa bồn cầu, nước tẩy do phụ huynh thiếu cẩn trọng để con trẻ tiếp xúc và uống nhầm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Uống nhầm nước tro tàu, bé gái bị teo thực quản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.