(HNM) - Một trong những nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề (TCN) lên cao đẳng nghề (CĐN) và từ CĐN lên đại học.
Đây là tin vui, là niềm mơ ước của hàng nghìn học sinh, sinh viên nghề khi họ có thể từng bước hoàn thiện trình độ nghề của mình lên cấp độ cao hơn cũng như hoàn thiện các kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Giờ thực hành tại Trường Trung học tư thục Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa. Ảnh: Dương Thủy |
Dự thảo đã mở ra cơ hội lớn cho hàng nghìn học sinh, sinh viên trường nghề. Họ có thể được học tập suốt đời, cánh cửa việc làm sẽ rộng mở hơn. Theo quy định đào tạo liên thông thì học sinh học ban ngày, học liên tục tại trường và phải thực hiện đầy đủ quy chế về tuyển sinh, quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ như chính quy. Sau khi kết thúc khóa học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ chính quy, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc CĐN hệ chính quy. Người học liên thông theo hình thức vừa làm vừa học, phải thực hiện quy chế về tuyển sinh, quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học. Sau khi kết thúc khóa học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ vừa làm vừa học, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hình thức vừa làm vừa học.
Dự thảo nêu rõ, thời gian đào tạo từ 1,5 - 2 năm nếu liên thông từ hệ TCN lên trình độ CĐN và từ trình độ CĐN lên đại học. Thời gian đào tạo từ 3-4 năm học nếu đào tạo liên thông từ TCN lên trình độ đại học. Với những người đã tốt nghiệp TCN, nếu chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở, thì phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa trung học phổ thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, sinh viên nghề có bằng tốt nghiệp TCN và CĐN cùng ngành nghề đào tạo sẽ được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng và đại học theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, để được liên thông, các trường nghề phải bảo đảm các điều kiện: Đã có quyết định của Bộ GD-ĐT, mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ cao đẳng, đại học. Phải xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo liên thông từ trình độ TC-CĐN lên trình độ cao đẳng, đại học theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT. Các trường cao đẳng, đại học có trách nhiệm so sánh, đối chiếu mục tiêu, chương trình đào tạo, khối lượng kiến thức, tỷ lệ về thời lượng giữa lý thuyết với thực hành, thời gian đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá của chương trình TC-CĐN với chương trình đào tạo cao đẳng, đại học của cùng ngành nghề đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trình độ TC-CĐN lên cao đẳng, đại học. Việc cấp bằng cho các sinh viên học liên thông được thực hiện chiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề, thì cơ quan này đang phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng Thông tư liên tịch về đào tạo liên thông từ trình độ TCN lên trình độ cao đẳng; trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ CĐN; trình độ CĐN lên đại học. Bên cạnh đó, hai cơ quan này cũng đang xây dựng quy định về đào tạo liên thông trình độ TCN, trung cấp chuyên nghiệp, CĐN, cao đẳng, đại học nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các trường xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo liên thông và công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập của người học trong từng trường hợp cụ thể.
Theo các chuyên gia dạy nghề, nếu người lao động muốn được học tập suốt đời thì cần được nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp và không phải học lại những nội dung đã học khi chuyển sang học trình độ cao hơn cùng ngành nghề. Muốn vậy, họ cần được học liên thông giữa các hệ thống và các trình độ với nhau. Tuy nhiên, thực tế cả học sinh, sinh viên, doanh nghiệp và các trường nghề vẫn đang phải chờ đợi những cái "bắt tay" của hai hệ thống là hệ thống giáo dục và hệ thống đào tạo nghề vì những nội dung nêu trên mới chỉ nằm trong dự thảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.