(HNM) - Mang trong mình căn bệnh quái ác xương thủy tinh, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng chị Vũ Kim Liên không chịu đầu hàng số phận.
Tròn 3 tuổi, bé Liên bị sởi, thận suy không còn khả năng cung cấp canxi cho cơ thể, vì vậy xương rất giòn. Hai chân chùn xuống, cột sống cong dần, vậy là cuộc sống của cô bé gắn liền với chiếc xe lăn. Đến tuổi đi học, Liên không được nhận vào lớp 1 bởi sức khỏe quá yếu. "Thấy tôi khao khát được đến lớp, bố mẹ đã xin Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ nhận tôi vào học. Mỗi khi thời tiết thay đổi, người đau nhức, di chuyển hết sức khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng đến trường. Nhờ chăm chỉ nên suốt những năm học phổ thông tôi đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi", chị Liên kể lại.
Năm 1986, chị Liên học lớp dạy cắt may do Hội LHPN Thái Nguyên mở. Sau hơn 2 năm kiên trì học hỏi, chị Liên đã mở cửa hàng riêng. Đến nay chị Liên đã có hơn chục năm kinh nghiệm. Tuy phải mặc áo nẹp cột sống và di chuyển bằng xe lăn mỗi khi làm việc nhưng kỹ thuật cắt may, đường kim mũi chỉ của chị Liên lại rất khéo léo, kiểu cách mới lạ, bắt mắt khiến cửa hàng của chị không khi nào vắng khách. Cửa hàng của chị luôn có từ 3-4 thợ chuyên may.
Luôn cảm thông với những hoàn cảnh nghèo khó và người đồng cảnh như mình, chị Liên đã mở nhiều lớp dạy nghề may miễn phí. Chị dồn hết tâm huyết, kinh nghiệm cắt may chia sẻ với họ. Hiện nay, số học viên được chị Liên dạy nghề đã lên tới hơn 100 người, trong đó có gần một nửa học viên là người khuyết tật đến từ nhiều nơi như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội...
Chỉ vào cánh tay phải của mình, chị Liên nói: "Trong một lần đi giao dịch với khách hàng bằng xe lăn, tôi bị lật xe ngã gãy tay phải. Cả năm trời bó bột nhưng xương vẫn không thể liền, các bác sĩ cho biết tay của tôi không còn khả năng phục hồi và phải cắt bỏ. Nhưng sau thời gian kiên trì bền bỉ điều trị, đến nay cánh tay phải của tôi đã có cảm giác và có thể cử động nhẹ được nhưng việc cắt may càng khó khăn gấp bội". Và bây giờ điều mà chị mong muốn nhất là được tạo điều kiện vay vốn đầu tư xây dựng một cơ sở dạy nghề, với đầy đủ các trang thiết bị, máy móc để chị có thể dạy nghề miễn phí, giúp cho những người khuyết tật như chị có cơ hội tự lập cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.