(HNMO) - Theo một báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), khoảng 75 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường tại các khu vực gặp khủng hoảng trên thế giới đang rất cần sự hỗ trợ giáo dục.
(Ảnh: Reuter) |
Ở Syria, cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm đã khiến ít nhất 6.000 trường học bị bỏ hoang. Trong khi đó, 20% số trường học thuộc miền đông Ukraine bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.
Có khoảng 462 triệu trẻ em, chiếm 25% tổng số trẻ từ 3 – 18 tuổi, sống tại các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi hàng loạt thảm họa nhân đạo. Trẻ tị nạn có nguy cơ không được tới trường cao gấp 5 lần so với các bạn đồng trang lứa. Tỉ lệ thất học ở bé gái cũng cao gấp 2,5 lần so với bé trai.
Báo cáo này được công bố ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23 và 24/5. Cũng tại sự kiện này, Quỹ giáo dục khẩn cấp Education Cannot Wait (Giáo dục không thể chờ đợi) sẽ được phát động với mục tiêu quyên góp ít nhất 4 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ 13,6 triệu trẻ em.
Trẻ em từ những vùng nghèo khó nhất thế giới gần như không có cơ hội quay lại trường học nếu đã bỏ học hơn một năm. “Trong các cuộc khủng hoảng, trẻ em phải đối mặt với nguy cơ thất học rất cao, mặc dù nhà trường thường có chính sách bảo vệ, đảm bảo an toàn và xây dựng thời khóa biểu một cách hợp lý, linh động” - báo cáo này nhấn mạnh.
Giáo dục mang đến cho trẻ em những viên gạch đầu tiên để xây dựng tương lai của bản thân và quê hương mình. Nhà hoạt động nhân quyền Yousafzai – người từng bị một tay súng Taliban tấn công vào năm 2012 vì các chiến dịch vận động giáo dục cho trẻ em gái ở Pakistan – đã cảnh báo rằng hàng triệu đứa trẻ tị nạn có nguy cơ trở thành một “thế hệ mất mát” vì cuộc sống nay đây mai đó và không được hưởng nền giáo dục trọn vẹn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.